+Aa-
    Zalo

    Khi nào sản phẩm Việt mới thôi tư duy ăn xổi "làm giàu thần tốc"!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đa số các sản phẩm tham gia hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 24 đều là sản phẩm của các làng nghề, có sản phẩm của một vài doanh nghiệp nhưng ít tính sáng tạo. Thậm chí có mặt hàng đã “tố cáo” thói xấu, ăn xổi, khôn vặt của người Việt.

    (ĐSPL) - Đa số các sản phẩm tham gia hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 24 đều là sản phẩm của các làng nghề, có sản phẩm của một vài doanh nghiệp nhưng ít tính sáng tạo. Thậm chí có mặt hàng đã “tố cáo” thói xấu, ăn xổi, khôn vặt của người Việt.

    Khoảng lặng mặt tiền

    Nếu chỉ nhìn vào các con số, 600 gian hàng của 500 doanh nghiệp, tập đoàn đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chiếm số đông là đông đảo doanh nghiệp Việt Nam, nhiều người sẽ mừng thầm.

    Thậm chí, có người còn cho rằng, đây là tín hiệu khả quan, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, tăng trưởng. Với lực lượng hùng hậu các gian hàng đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nhiều người ngỡ đây là một đợt ra quân hùng hậu để khuếch trương năng lực sản xuất nhưng rất tiếc, sự thật không như vậy.

    Tuy nhiên, theo quan sát của PV, các sản phẩm của doanh nghiệp và gian hàng của Việt Nam đa phần vẫn là các sản phẩm hàng mỹ nghệ truyền thống của các hợp tác xã, cùng với đó là một vài sản phẩm công nghiệp theo kiểu bắt chước làm theo. Thậm chí, không ít các sản phẩm là kết quả của kiểu tư duy khôn lỏi, ăn theo, chộp giật của người Việt Nam.

    Ngay từ không gian mặt tiền của triển lãm Giảng Võ (nơi hội chợ được tổ chức) đã thấy sự khập khiễng trong cách bố trí trưng bày. Nhưng, chính sự khập khiễng đó, vô tình phơi bày hết điểm yếu cố hữu.

    Đặt ngay bên cạnh một mẫu ô tô hạng sang, mới nhất của một thương hiệu ô tô nổi tiếng đến từ nước Mỹ là những mặt hàng đá mỹ nghệ với các kiểu dáng phong thuỷ cổ điển mà chủ nhân của gian hàng không ngần ngại cho rằng, nó có thể mang lại may mắn cho người sở hữu. Hay như bên cạnh một gian hàng đồ gỗ mỹ nghệ, với các sản phẩm phong cách độc đáo những gốc cây hoá thạch hàng nghìn năm từ tự nhiên đem về, lại được bố trí đối diện với sản phẩm xe lu, xe húc đến từ Nhật Bản.

    Nhìn cảnh này, anh Nguyễn Hồng Tiến, khách tham quan triển lãm cho rằng, không khó để so sánh hàng hoá của nước ta và các nước bạn tham gia hội chợ lần này. "Sản phẩm hàng hoá như đá phong thuỷ hay đồ gỗ mỹ nghệ của hai gian hàng đặt ở tiền sảnh cho thấy, hàng hoá của người Việt lệ thuộc vào tự nhiên quá lớn. Như đôi thuỷ bình làm bằng đá cẩm thạch hay bằng chất gỗ kia chẳng hạn, nó phải được chế tác từ đá nguyên khối và gỗ nguyên khối rất lớn. Kiểu sản xuất này là kiểu "ăn cắp của tự nhiên" gia công rồi đi bán", anh Tiến chia sẻ.

    Khi PV phỏng vấn khách tham quan, nhiều người cho rằng, cả hai công ty trên không có ý định xây dựng văn hoá kinh doanh. Bởi, họ không hề in tờ rơi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của công ty. 

    Nhân viên thì mỗi người mặc một kiểu, tên công ty được in cẩu thả trên nền bạt đã hoen ố. "Thực sự bất ngờ khi nhà tổ chức lại bố trí hai gian hàng trên nằm bên cạnh khu trưng bày ô tô và máy công trình của hai thương hiệu lớn đến từ Mỹ và Nhật Bản. Bởi mục đích chính của hai công ty Việt Nam là trưng bày sản phẩm phong thuỷ lạ, chỉ mong câu khách VIP, nó trái ngược hoàn toàn với thông điệp của hội chợ thương mại năm nay", anh Trần Quang Nhật, một khách tham gia hội chợ nói.

    "Bình mới rượu cũ"

    Càng đi vào các gian hàng trưng bày sản phẩm ở nhà A và nhà B của triển lãm, càng cảm nhận rõ sự nghèo nàn của hàng hoá Việt. Theo quan sát của PV, đa số các mặt hàng Việt Nam tham gia lần này là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm công nghiệp hầu như vắng bóng. Gian hàng của các tỉnh như Lạng Sơn, Lào Cai, Thanh Hoá, Thái Bình... chủ yếu các cây hương liệu, cây thuốc, các loại túi đan từ mây tre và chất liệu nhựa, chiếu, thảm được đan từ cây lác...

    Cũng theo ghi nhận của PV, rất khó tìm được một doanh nghiệp thuần Việt tham gia triển lãm với những sản phẩm mang sắc thái công nghiệp. Trong số doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp tham gia triển lãm thì đa phần là doanh nghiệp có vốn FDI hay đại lý độc quyền các sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng nước ngoài tại Việt Nam. Dạo quanh hội chợ, đâu đó, bạn mới tìm được một số thương hiệu quen thuộc như lốp ô tô, xe máy xe đạp của công ty cổ phần Cao su Sao Vàng hay một số thương hiệu rất mới.

    Sự xuất hiện các thương hiệu mới nhưng chưa thực sự mang đến một làn gió mới cho nền sản xuất nước nhà. Bởi các công ty này vẫn sản xuất các mặt hàng vốn đã quen thuộc như quạt điện, dây điện, ống nhựa... mặc dù có sự đầu tư về mẫu mã và nguyên liệu.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Thanh Đào ở Ba Đình, Hà Nội cho rằng: "Triển lãm cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng sản xuất và cho ra các sản phẩm phù hợp với thị trường. Nhưng, phải khẳng định, các sản phẩm của chúng ta còn mang tính chất bắt chước và học theo, chưa có sự đột phá. Trong đó một vài trường hợp như đồ uống, rượu, bia thì thực chất là việc đóng chai, dán nhãn của các loại rượu ngâm trong dân gian, như rượu táo mèo, ba kích, nếp cẩm... không có gì là độc đáo cả".

    hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam:Tư duyăn xổi
     Một góc hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 24.

    Thất vọng!

    Trái ngược hoàn toàn với hàng hoá của các doanh nghiệp Việt, hàng hoá đến từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ... cho thấy sự vượt trội về đẳng cấp. Đặc biệt nhất là các gian hàng của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc. Có người ví von rằng, hội chợ năm nay là sự phô diễn về hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.

    Theo ghi nhận của PV, thì cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc gần như chiếm tới "ẵm" các gian hàng ở khu trưng bày nhà A, áp đảo gần như hoàn toàn các quốc gia khác đến tham gia hội chợ ngay cả chủ nhà.

    Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc mang đến hội chợ từ những các sản phẩm rất bình thường như bấm, cắt móng tay, nồi, chảo, bát đĩa, các sản phẩm truyền thống chế xuất từ nhân sâm và nấm linh chi cho đến các sản phẩm máy móc công nghiệp, các sản phẩm đỉnh cao công nghệ như máy điện thoại, vi tính. Nhiều nhất trong đó phải kể đến là các loại bánh kẹo, đồ nướng từ sâm, linh chi và các mặt hàng làm đẹp...

    Ngoài Hàn Quốc thì Trung Quốc cũng là quốc gia cho thấy sự đầu tư rất lớn cho hội chợ lần này. Họ chiếm gần hết không gian triển lãm tại khu nhà B. ở đây, họ bày đủ thứ các sản phẩm từ giày dép, thắt lưng, ví da đến vải vóc, dao kéo, các thiết bị nghe nhìn như loa, đài, bánh kẹo...

    Một điểm đáng chú ý, các doanh nghiệp nước ngoài đem sản phẩm tham dự hội chợ lần này đa số hàng tiêu dùng. Trong khi đó, họ đem rất ít sản phẩm là các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chú trọng vào tiềm năng tiêu thụ hàng tiêu dùng hơn là nhu cầu về cải tiến thiết bị máy móc của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều người Việt tỏ ra thất vọng khi đi hội chợ mà vẫn không thấy máy móc thiết bị cần tìm.           

    Sản phẩm triển lãm làm từ nguyên liệu cấm?

    Ngoài các sản phẩm là gỗ lũa, đá phong thuỷ, hoàn toàn là các sản phẩm thu lượm ở tự nhiên sau đó đem đi chế tác thì trong triển lãm này còn có thể bắt gặp các sản phẩm đũa làm từ gỗ trắc (một loại gỗ được xếp vào danh mục cấm khai thác, buôn bán, vận chuyển dưới mọi hình thức). Điều này cho thấy, "tư duy ăn cắp tự nhiên" để làm giàu vẫn còn ngự trị trong cách làm kinh tế của doanh nhân Việt Nam.

    Tụt hậu vì lệ thuộc quá nhiều vào tự nhiên

    Giáo sư Kennichi Ohno đến từ viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, Giám đốc diễn đàn phát triển Việt Nam (người có hơn 20 năm nghiên cứu về nền kinh tế Việt Nam) từng đánh giá, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng quá lệ thuộc vào tài nguyên, vốn đầu tư nước ngoài và nguồn nhân lực giá thấp.

    Các sản phẩm hàng hoá do trong nước sản xuất (không tính các doanh nghiệp FDI) đa phần là bắt chước, tính sáng tạo thấp nên giá trị kinh tế mang lại không cao. Chính điều này là nguyên nhân khiến Việt Nam dễ mắc vào "bẫy" thu nhập trung bình.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-nao-san-pham-viet-moi-thoi-tu-duy-an-xoi-lam-giau-than-toc-a30320.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan