(ĐSPL) - Trên văn bản chính sách không có sự phân biệt giữa hai khu vực, doanh nghiệp (DN) tư nhân và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng thực tế DNNN được ưu ái hơn tư nhân lại thể hiện rất rõ ràng.
DNNN được ưu ái hơn tư nhân
Hiện nay, DNNN chỉ chiếm 0.9\% về số lượng, 12,8 \% về lao động nhưng chiếm tới 25,9\% về vốn và tạo ra 32\% về GDP của cả nước.
Trong “Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp và Chất lượng tăng trưởng” tổ chức ngày 8/4, khi bàn về vấn đề tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thị trường. Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, hiện trên các văn bản chính sách và quy định pháp luật không có sự phân biệt giữa DN tư nhân và nhà nước. Nhưng trên thực tế, sự phân biệt lại thể hiện khá rõ.
|
DNNN đang được ưu tiên hơn tư nhân các nguồn lực về vốn, tín dụng, thậm chí cả thuế. |
Theo ông Tuyển: “DNNN được ưu tiên các cơ hội, nguồn lực như đất đai, vốn tín dụng, thậm chí còn có DNNN không phải nộp một đồng thuế lợi nhuận nào cho nhà nước. Trong khi các DN tư nhân lại phải chia cổ đông và chịu các thuế khác nhau” .
Vào tháng 2/2013, khi lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thép Việt Đức đã khẳng định, thực tế là có sự bất công giữa hai khu vực DN tư nhân và nhà nước, từ bảo hộ các quyền cũng như các quy định, kế hoạch của nhà nước, cách điều hành để gây ra những bất công ấy.
Ông Bảo cho rằng, sự bất bình đẳng đó thể hiện rất sâu. Có thể lấy ví dụ, những tập đoàn kinh tế nhà nước, làm ăn thua lỗ người dân không biết nguồn tiền mất ở đâu. Còn DN tư nhân, nếu mất, nếu muốn vay ngân hàng hay của ông A, B, C nào đó thì không ai chấp nhận cho vay, thậm chí còn có thể gặp rắc rối về pháp lý.
Do đó, “Chúng ta phải giảm dần hàng rào phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Chính phủ không có quy định nào thể hiện cái đó, nhưng trên thực tế vẫn có những Nghị định mang tính rào cản. Phải dần dần xóa rào cản đó đi để cho các thành phần kinh tế được tự tin và bình đẳng hơn” ông Bảo cho hay.
Chính từ những ưu ái giữa hai khối DN tư nhân và nhà nước nên có những DN hoạt động thua lỗ vẫn được xử “nhẹ tay”, thậm chí có những DN thua lỗ được khoanh nợ, rồi giãn nợ, xóa nợ, DN “chết nhưng chưa được chôn”. Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA cũng chỉ là các DNNN mới được tiếp cận. Ngoài ra còn có những lĩnh vực mà DNNN độc quyền như xăng, dầu và điện.
Ưu ái: Vì sao
Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, nhìn vào các văn bản pháp lý Việt Nam không thấy DNNN có ưu thế hơn DN tư nhân. Thậm chí, DNNN còn phải chịu những sức ép về tách nhiệm xã hội. Nhưng thực tế, việc có ưu ái hơn là câu chuyện có thật.
Nguyên nhân của việc ưu ái này, TS. Võ Trí Thành cho biết, DNNN chính là con đẻ của nhà nước, cách thức can thiệp của nhà nước, cách thức suy nghĩ về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường và mở cửa nên khó tránh khỏi ưu ái hơn.
Một điều nữa, theo một số điều tra, khu vực tư nhân, đặc biệt khu vực DN vừa và nhỏ, trong tiếp cận đất đai, tiếp cận các nguồn nhân lực, tín dụng... thì khu vực này yếu thế hơn DNNN. Đó là do một phần của vị thế, quy mô cơ bản dẫn đến những ưu ái hơn trên thực tế. Những DN do nhà nước có thể đứng ra chỉ định, bảo lãnh thì tính chất khác với DN tư nhân.
Để giảm sự mất cân đối trong việc ưu ái của DNNN và tư nhân. Theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, cần tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho khu vực DN tư nhân tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, sự phát triển của DNNN trong các lĩnh vực không chèn lấn khu vực tư nhân, tránh tình trạng độc quyền mà có tác động hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân thông qua hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển. Việt Nam đang tiến tới mở cửa, hội nhập kinh tế toàn cầu sau rộng hơn do đó, cần đòi hỏi sự cạnh tranh một cách bình đẳng hơn giữa các loại hình DN và thành phần kinh tế.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-kt-dong-loat-doi-su-binh-dang-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-a28747.html