+Aa-
    Zalo

    Khám phá trại huấn luyện "nam tính" dành cho các bé trai ở Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những trại huấn luyện đặc biệt dành cho các bé trai tại Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.

    Những trại huấn luyện đặc biệt dành cho các bé trai tại Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.

    Một buổi học bóng đá trong khóa huấn luyện của HLV Tang - Ảnh: SCMP

    Vào một buổi sáng mùa thu rất lạnh, 18 cậu bé đang hăng say luyện tập dưới chân núi Phượng Hoàng ở phía tây Bắc Kinh không khỏi rùng mình trước những luồng gió rét buốt táp vào thân thể.

    Đeo băng đỏ ghi dòng chữ “Tough Guy” (Chàng trai cứng rắn) trên đầu, các em hô vang những khẩu hiệu như “Ai là người giỏi nhất? Tôi là người giỏi nhất ”,“ Chúng tôi là ai? Chúng tôi là người đàn ông chân chính”. Đó là khung cảnh trong một trại huấn luyện nam tính, nơi các cậu bé được rèn luyện sự tập trung, hợp tác và cạnh tranh thông qua các bài giảng, trò chơi tập thể và môn bóng đá.

    Vào ngày thứ năm của một khóa học kéo dài 18 ngày được tổ chức vào cuối tuần cho các bé trai tuổi từ 7 đến 11, các em được giảng viên nhắc lại mục đích lớn nhất của các hoạt động rèn luyện là loại bỏ hoàn toàn các yếu tố nữ tính và không trở nên “quá nhạy cảm, dễ bị tổn thương, yếu đuối, nhỏ bé hoặc vô trách nhiệm”.

    Các thành viên của Câu lạc bộ Boys phải học thuộc nhiều tuyên bố về các chủ đề như bảo vệ đất nước, danh dự và ước mơ của họ. Ví dụ, một số em phải đứng trước lớp và tuyên bố tham vọng của mình là trở thành một con đại bàng quyền lực, thông minh và tốt bụng như một con cá heo và dai sức như một con ngựa. Các cậu bé gọi nhau là "đồng chí", mang ý nghĩa cùng chia sẻ lý tưởng sống.

    Người sáng lập Câu lạc bộ Boys, ông Tang Haiyan, là một giáo viên thể dục ở Bắc Kinh trước khi bắt đầu trung tâm đào tạo đặc biệt vào năm 2012. Kể từ đó, đã có hơn 20.000 trẻ đã tham gia các khóa học của ông. Một số phụ huynh từ tỉnh xa cũng lặn lội đưa con trai tới.

    "Hiện nay, khủng hoảng trong giáo dục các bé trai đang ngày càng nghiêm trọng và tôi đã quyết định phải hành động thực tế để cứu họ và lấy lại vẻ nam tính đang bị đe dọa bởi những trào lưu thần tượng Hàn Quốc", Tang nói.

    Trên thực tế, trại huấn luyện đã ra đời từ lâu nhưng chỉ nhận được sự chú ý của truyền thông và dư luận từ khi những trào lưu làm đẹp unisex (đa giới) ngày càng trở nên thịnh hành và nhiều phụ huynh bắt đầu lo ngại ảnh hưởng tiềm tàng của những sản phẩm giải trí lên con em họ.

    Học phí cho mỗi khóa huấn luyện 18 buổi là 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) bao gồm các hoạt động theo chủ đề như chạy bộ cởi trần vào mùa đông, leo núi ở nhiệt độ -30 độ hoặc leo núi và sống một tuần trên sa mạc.

    Cuối tuần trước, một lớp học đã tham gia chơi phiên bản thực tế của trò chơi nổi tiếng Counter-Strike theo bộ phim quân sự yêu nước Wolf Warrior (Chiến binh Sói).

    Zhang Haiwei, mẹ của em Tong, 12 tuổi, ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã quyết định gửi con trai tới trại huấn luyện quân sự 14 ngày ở Bắc Kinh. Chị chia sẻ: “Cha của Tong Tong rất bận rộn và không có nhiều thời gian. Tôi chăm sóc con trai hằng ngày và đã quá chiều con. Thằng bé rất dễ khóc và đầu hàng mỗi khi gặp khó khăn. Cứ như là bé gái vậy”.

    Sau khóa huấn luyện đầu tiên, chị Zhang rất ngạc nhiên khi thấy con trai chẳng những tỏ ra cứng rắn hơn mà còn tự giặt quần áo và không làm phiền mọi người trong nhà trong bữa ăn. “Tôi thật sự rất vui khi thấy con trai mình đã trưởng thành. Trước đây, thằng bé thậm chí còn đòi bà nội tắm nhưng đến giờ đã tự vệ sinh cá nhân rất chỉn chu”, chị cho biết.

    Kể từ đó, Tong tham gia trại huấn luyện đều đặn vào mỗi kỳ nghỉ hè hoặc nghỉ đông. Tại đây, cậu bé phải tự mình thực hiện mọi việc và rèn luyện tính kỷ luật vô cùng khắt khe, đặc biệt về thời khóa biểu.

    Một trường hợp khác là anh Tan đến từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, cho biết anh rất buồn khi thấy con trai 14 tuổi ngày càng béo phì, thích ăn vặt và lười vận động. Tuy nhiên, bà nội và mẹ cậu bé lại chỉ mong cậu ngoan ngoãn ở trong nhà như vậy thay vì chạy nhảy, nghịch ngợm như bạn bè cùng trang lứa.

    Quá lo lắng cho con trai, anh Tan quyết định gửi cậu đến trại huấn luyện kéo dài 2 tuần của thầy Tang bao gồm nhiều hoạt động thể thao nặng như đi bộ vác tạ trên cát, đấu vật và leo cột mỡ.

    "Con trai tôi đã thay đổi hoàn toàn sau 2 tháng", anh Tan phấn khởi nói. Đến nay, con trai anh đã quyết định theo học một trường quân sự hàng đầu ở Hà Bắc và là người duy nhất xuất sắc vượt qua thử thách khi nhập học.

    Theo huấn luyện viên Tang, hầu hết các bé trai đều được mẹ và bà nội nuôi dưỡng, được các cô giáo dạy học ở trường và dần quen với những khuôn mẫu của tính nữ như im lặng, ngoan ngoãn, khép nép và không phản kháng. Tang cho rắng đó chính là nguyên nhân của việc thế hệ trẻ hiện nay quá thiếu quyết tâm và chỉ thích những công việc dễ dàng, nhàn hạ.

    "Con trai phải cư xử khác với con gái và cần phải có những mặt nổi trội hơn như thể chất, các môn học tự nhiên. Tuy nhiên, tôi đã đến nhiều trường học ở các thành phố và nông thôn và thấy rằng nữ giới đang ngày càng chiếm ưu thế. Chúng ta phải giúp các chàng trai lấy lại bản lĩnh thực sự của đàn ông và vẻ nam tính của họ”.

    Ngược lại, Liu Junsheng, một giáo sư tại trường tâm lý và khoa học nhận thức tại Đại học Đông Trung Quốc, cho biết một việc xây dựng cuộc sống gia đình đầy đủ và môi trường bạn bè lành mạnh có tác dụng tích cực hơn phương thức giáo dục mang tính thúc ép như vậy.

    “Không rõ liệu phương pháp giáo dục cưỡng bức đó có ảnh hưởng bất lợi hay không nhưng nhìn chung, nam tính là thứ không cần phải củng cố. Mỗi bé trai ra đời đã có một tính cách riêng và một vai trò riêng trong cuộc sống”, Liu nói.

    Vấn đề này có liên quan chặt chẽ tới những cuộc tranh cãi gay gắt về trào lưu làm đẹp đa giới tính hiện nay. Trong khi huấn luyện viên Tang cho rằng các phương tiện truyền thông đang thực sự “làm hỏng” giới trẻ, một số bậc phụ huynh lại cho rằng không nên cấm cản đam mê hay sở thích của con em một khi chúng vẫn lành mạnh và không phạm pháp.

    Trong bài phỏng vấn với SCMP, ông Tang kết luận: “Xã hội vẫn cần những người đàn ông trưởng thành gánh vác nhiều nghĩa vụ nặng nề và làm trụ cột gia đình. Đó chính là mong muốn của tôi với những học sinh trong trại huấn luyện".

    Thu Phương(Theo SCMP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kham-pha-trai-huan-luyen-nam-tinh-danh-cho-cac-be-trai-o-trung-quoc-a250448.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan