Liên quan đến những nghi vấn khai thác sử dụng đất đồi trái phép, sai mục đích tại xã Khoan Dụ (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình), PV Đời sống & Pháp luật đã có buổi làm việc với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Thủy.
Ai đã “xẻ thịt” hàng vạn khối đất?
Như thông tin đã đưa trong số trước về hoạt động khai thác đất đồi có dấu hiệu trái phép ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại xã Khoan Dụ khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Bến cảng nơi các xe đất trái phép đổ xuống thuyền đem bán. |
Được biết, từ năm 2016, chính quyền huyện đã phê duyệt dự án nuôi trồng thủy sản tại xã Khoan Dụ. Diện tích đất được khai thác, sử dụng thuộc khu vực đất lâm nghiệp của ông Bùi Văn Hội, chủ thầu khai thác là ông Vũ Thanh Đài.
Trong quá trình khai thác, vận chuyển, san lấp phục vụ cho dự án nuôi trồng thủy sản, ông Đài đã có nhiều sai phạm, nhất là hoạt động múc, san gạt và vận chuyển đất ra khỏi khu vực cho phép nhằm thu lợi bất chính.
Ngày 30/3/2018, tổ kiểm tra gồm phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Thủy, đại diện UBND xã Khoan Dụ, công an huyện Lạc Thủy, đã tiến hành kiểm tra hoạt động của ông Đài.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện có 10 xe tải, 2 máy múc đang thực hiện việc múc, vận chuyển đất đem ra khỏi địa phương. Lúc này, ông Đài vắng mặt, hoạt động khai thác được giao cho ông Vũ Đình Lâm quản lý. Ông Lâm không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động đang khai thác đất trên diện tích 7.000 m2.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu di dời toàn bộ trang thiết bị, máy móc và dừng mọi hoạt động san lấp, vận chuyển đất khỏi khu vực khai thác. Đồng thời ông Vũ Thanh Đài phải xuất trình toàn bộ giấy tờ có liên quan.
Tuy nhiên, qua hơn 1 tháng, hoạt động khai thác đất đồi sai mục đích vẫn tiếp diễn, những chiếc xe trọng tải lớn chạy rầm rập suốt ngày đêm là nỗi ám ảnh cho người dân.
Chính quyền huyện cũng “bó tay”?
Trước thực trạng nêu trên, ông Đinh Công Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết không nắm được có tình trạng lợi dụng quy hoạch dự án để khai thác đất trái phép hay không. Để làm rõ vấn đề, nhóm PV đã có cuộc trao đổi với bà Lâm Thị Kính, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Thủy.
“Huyện đã ra Quyết định 36 về việc sử dụng, san lấp, cải tạo các khu vực đất đồi thuộc dự án. Trong quá trình cải tạo cần san lấp tại chỗ, tuy nhiên vẫn có một số lượng đất dôi dư phải được sự cấp phép của tỉnh để khai thác vận chuyển. Hiện nay, một số đơn vị khai thác lợi dụng, tranh thủ kẽ hở để vận chuyển đất đồi đổ ra cảng đem bán” – Bà Kính nói.
Theo bà Kính, việc kiểm tra, giám sát còn gặp khó khăn ở chỗ lực lượng mỏng, địa bàn rộng, khó bao quát. Những lúc đoàn kiểm tra đi thực địa thì các hoạt động sai phạm ngừng, đoàn kiểm tra vừa về, các xe múc, chở đất lại tiếp tục hoạt động.
Những chuyến tàu đang chuẩn bị lấy đất để vận chuyển đi "thanh lý" |
Cũng theo bà Kính, hoạt động quản lý còn thiếu hiệu quả do sự yếu kém của chính quyền cấp xã, phòng Kinh tế Hạ tầng của huyện đã xuống các xã Yên Bồng, Khoan Dụ để hướng dẫn lập biên bản xử phạt hành chính để tháo dỡ các bến cảng sai phép.
“Trong giai đoạn tới, chúng tôi phải tiến hành kiểm tra không công khai để tránh tình trạng các đơn vị có sự chuẩn bị. Và tiến hành thắt chặt về trọng tải, tháo bến cảng, di dời toàn bộ trang thiết bị sai phạm. Nếu không chủ động di chuyển sẽ lập biên bản xử phạt hành chính, cưỡng chế.” – Bà Kính nói.
Viễn cảnh bà Kính vạch ra rất hợp tình hợp lý, tuy nhiên cần thời gian để kiểm chứng xem liệu rằng chính quyền huyện Lạc Thủy có giữ đúng lời hứa của mình hay không? Ngăn chặn mọi hành vi, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, ổn định đời sống của người dân.
Thiết nghĩ, UBND xã Khoan Dụ cần nâng cao năng lực cán bộ; chú trọng công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép để tránh gây bức xúc trong dư luận. Bởi, không thể cứ trả lời “chúng tôi không biết” trong khi địa điểm khai thác đất đồi sai phạm chỉ cách UBND xã chưa đầy 300m.
Nhóm PV