Hàng loạt lãnh đạo liên quan đến dự án điện cấp bách giai đoạn 2013 - 2020, dự án Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 lần lượt bị khởi tố bắt tạm giam vì hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới hứa miệng đã trao nghìn tỷ
Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh đang được bộ Công an điều tra mở rộng, cơ quan An ninh điều tra vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Kế toán trưởng PVN Lê Đình Mậu vừa bị khởi tố, bắt tạm giam. |
Ông Lê Đình Mậu (sinh ngày 8/12/1972) về công tác tại PVN, thuộc Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán từ năm 2003. Đến tháng 5/2012, ông Mậu giữ chức Trưởng ban Kiểm soát, công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam.
Sau đó, ông Mậu được bổ nhiệm vào chức vụ Phó ban Tài chính, kế toán và kiểm toán của PVN. Tháng 4/2014, ông giữ chức Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Kế toán, Kiểm toán toàn tập đoàn cho đến ngày bị khởi tố.
Ngoài ông Mậu, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với 3 bị can khác gồm: Ông Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo VKSND Tối cao, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký hợp đồng EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Mặc dù mới chỉ có chủ trương giao cho PVC (khi đó do ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức chủ tịch HĐQT) thực hiện gói thầu EPC, chưa ký hợp đồng EPC nhưng trước đó, PVN đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỷ đồng (tương đương 1.500 tỷ đồng) cho Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 để tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lãi phát sinh từ thời điểm tạm ứng đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (11/10/2011).
Chậm tiến độ, đội vốn 5.500 tỷ đồng
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), được xây dựng trên diện tích khoảng 43ha, tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Năm 2011, dự án này do PVN làm chủ đầu tư, PVC được giao làm tổng thầu EPC có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành…
Đây được coi là dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ điện VI đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ được hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014, tổ máy số 2 vào đầu năm 2015.
Phối cảnh tổng thể nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2. |
Tuy nhiên, sau 5 năm, dự án mới hoàn thành 79,4% kế hoạch, nguyên nhân do đa số nhà thầu không chủ động được nguồn lực để thi công hoặc thi công cầm chừng, như nhà thầu PVC – PT, PVC – MS…
Công tác mua sắm vật tư thiết bị của tổng thầu PVC chậm, không đáp ứng tiến độ thi công lắp đặt hoặc đã ký hợp đồng nhưng do chưa thanh toán nên nhà cung cấp từ chối giao hàng.
Đến nay, dự án đã điều chỉnh tiến độ theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại văn bản 329/TP-VPCP ngày 2/10/2015, yêu cầu đưa tổ máy số 1 vào vận hành trong tháng 9/2017 và tổ máy số 2 vận hành vào tháng 3/2018.
Theo thông tin trong báo cáo tài chính bán niên năm 2017 của PVC mới công bố, Tổng công ty cho biết, tổng giá trị hợp đồng tạm tính mà PVC đã ký với các nhà thầu phụ cho dự án đã vượt qua giá trị hợp đồng EPC đã ký với Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN (918 triệu USD và 5.847 tỷ đồng - tương đương gần 27.000 tỷ đồng).
Cho đến nay, PVC và Ban quản lý dự án đã ký Phụ lục bổ sung điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tạm xác định là 949 triệu USD và 10.710 tỷ đồng (tương đương 32.500 tỷ đồng). PVC cũng đang làm việc với các nhà thầu phụ để ký lại phụ lục điều chỉnh giá trị hợp đồng.
PVN lên tiếng Ngay sau thông tin Kế toán trưởng PVN - ông Lê Đình Mậu bị bắt, khởi tố tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", PVN đã có phát ngôn chính thức. Theo đó, ngoài đình chỉ công tác với ông Lê Đình Mậu và một cá nhân đương chức liên quan, PVN cho biết đã bố trí cán bộ thay thế, nhằm đảm bảo duy trì mọi hoạt động của đơn vị. "Cái gì thuộc về cá nhân thì trách nhiệm cá nhân phải chịu. Còn 60.000 người lao động dầu khí vẫn đang ngày đêm làm việc miệt mài, vất vả để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao", thông báo của PVN nêu rõ. PVN cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng và báo chí để thông tin đến dư luận hiểu đúng bản chất của sự việc. |