Nội tạng động vật
Nội tạng động vật như gan, lòng, tim, cật,... tuy là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào, nhưng lại chứa hàm lượng cholesterol và purin rất cao. Khi tiêu thụ quá nhiều, cơ thể sẽ khó chuyển hóa hết, gây tích tụ mỡ trong gan, làm tăng men gan và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan.
Ngoài ra, nội tạng động vật thường là nơi tích tụ độc tố của động vật. Nếu không được sơ chế kỹ càng, chúng có thể gây hại cho sức khỏe, làm tăng gánh nặng cho gan.
Thịt đỏ
Thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu,... là nguồn cung cấp protein, sắt và các vitamin nhóm B dồi dào. Tuy nhiên, thịt đỏ cũng chứa nhiều chất béo bão hòa, khi tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tăng cholesterol xấu trong máu, gây gan nhiễm mỡ, tăng men gan.
Đặc biệt, thịt đỏ chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, thịt muối,... còn chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo màu, tạo mùi,... có thể gây hại cho gan.
Đồ chiên rán
Các món chiên rán chứa nhiều carbohydrate (carbs), làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan, khiến men gan cao hơn. Một trong những vai trò của gan là duy trì nồng độ glucose (đường) để kiểm soát quá trình chuyển hóa carbs. Nếu gan căng thẳng quá mức do quá tải carbs, dễ rò rỉ enzyme vào máu, dẫn đến tăng men gan.
Nước ngọt
Gan dễ hấp thụ đường từ các loại đồ uống nhiều nước như soda, nước ngọt, nước ép đóng chai. Người uống nhiều nước ngọt có khả năng cao gặp tình trạng tích tụ mỡ trong gan do đường chuyển hóa thành chất béo. Tích tụ mỡ trong gan là yếu tố dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ, men gan tăng cao.
Khoai lang
Beta carotene trong khoai lang được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A. Khoai lang có nhiều chất xơ, chỉ số đường huyết thấp, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin A trong loại củ này cao, nếu ăn quá nhiều có xu hướng dẫn đến cô đặc. Lượng vitamin A quá cao, vượt quá khuyến nghị lại gây độc cho gan.
Mỗi người nên cân đối lượng vitamin A cần thiết trong ngày. Nam giới nên có khoảng 900 mcg, nữ giới cần khoảng 700 mcg mỗi ngày. Phụ nữ mang thai có thể tăng lượng vitamin A mỗi ngày lên mức 850 mcg.
5 thức uống hỗ trợ hạ men gan
Cà phê chứa các hợp chất caffeine, polyphenol, có tác dụng giảm tích tụ mỡ trong gan, góp phần chống viêm, ngăn ngừa xơ gan. Uống 700 ml cà phê mỗi ngày giúp hạ thấp nồng độ của ba loại men gan AST, ALP và GGT, cải thiện tình trạng men gan cao. Người nhạy cảm với caffine nên sử dụng theo tư vấn của bác sĩ.
Atiso có nồng độ cao các chất chống oxy hóa tự nhiên như axit mono caffeoylquinic, axit dicaffeoylquinic, axit caffeic, sesquiterpene và flavonoid, giúp giảm nồng độ chất béo cholesterol trong gan, hỗ trợ giảm viêm, hạ men gan. Uống trà atiso còn thúc đẩy tăng nồng độ men glutathione peroxidase - hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong cơ thể được sản xuất tại gan, có khả năng chống viêm và hạ thấp men gan cao.
Trà cà gai leo chống oxy hóa, góp phần hạ thấp các chỉ số men gan như LDH, ALP, AST. Cà gai leo còn giúp tăng cường hoạt động của các enzym trong gan như SOD, CAT, GST, GSH, có tác dụng bảo vệ gan, cải thiện tổn thương và góp phần hạ men gan.
Nước đậu đen giàu polyphenol và flavonoid, anthocyanin có khả năng bảo vệ cơ quan này khỏi tác nhân gây căng thẳng oxy hóa, chống viêm, hạ thấp men gan. Đồ uống này kiểm soát, điều chỉnh các gene oxy hóa axit béo và lipogen, ức chế quá trình tích tụ mỡ, điều hòa men gan. Đậu đen còn cung cấp protein thực vật và chất xơ tái tạo các tế bào gan, tăng cường lợi khuẩn đường ruột, giảm gánh nặng chuyển hóa cho gan.
Nước ép trái cây có múi như cam, quýt, bưởi... nhiều vitamin C, tăng cường đào thải độc tố, đường, chất béo không bão hòa bị lắng đọng tại gan, góp phần hạ thấp nồng độ men gan AST, ALT, GGT. Đồ uống này còn chứa nhiều cryptoxanthin - một sắc tố thực vật có khả năng chống viêm, ngăn ngừa men gan tăng cao quá mức hoặc dẫn tới mất kiểm soát. Hai hợp chất chống oxy hóa mạnh là naringin và naringenin trong bưởi kích thích gan chuyển hóa, đào thải chất độc hại ra ngoài, giảm viêm, hạ men gan.