+Aa-
    Zalo

    IS và cuộc vơ vét thu lợi khủng từ những “đồ cổ nhuốm máu”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không chỉ phá hủy, tổ chức Nhà nước hồi giáo IS còn tiến hành bán và buôn lậu rất nhiều các cổ vật quý giá 2000 năm tuổi tại thành cổ Palmyra

    (ĐSPL) - Không chỉ phá hủy, tổ chức Nhà nước hồi giáo IS còn tiến hành bán và buôn lậu rất nhiều các cổ vật quý giá hàng ngàn năm tuổi tại thành cổ Palmyra thuộc miền Trung Syria để làm nguồn kinh tài cho các hoạt động chiến tranh.

    Thành cổ Palmyra nằm ở Đông Bắc Damascus, Syria có tên trong danh sách Di sản Thế giới của Unesco

    Đánh chiếm Palmyra và phương thức “khảo cổ bằng máy ủi”

    Thắng lợi của IS tại Palmyra cũng có ý nghĩa lớn về chiến lược quân sự vì đây là nơi có nhiều cơ sở quân sự hiện đại và nằm trên một xa lộ sa mạc nối Thủ đô Damascus với các tỉnh miền Đông của Syria hiện đa phần đang nằm trong tay phiến quân. Từ khu vực Palmyra, thông qua mạng internet, một chiến binh IS nói: “Ơn Đấng Allah, thành phố đã được giải phóng”.

    Tên này cho biết IS đang kiểm soát một bệnh viện ở thành phố mà Syria từng sử dụng làm căn cứ trước khi rút lui. Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết IS đã chiếm được gần như toàn bộ thành phố. Họ nói rằng hiện không rõ điều gì đã xảy đến với các lực lượng đồn trú tại một tiền đồn lục quân ở ngoại ô Palmyra và số phận của một nhà tù quân đội.

    Thành phố cổ Palmyra - trung tâm Văn hóa, chính trị của chế độ cổ đại Tadmur cách đây khoảng 2.000 năm, hiện là một địa điểm chiến lược ở miền Trung Syria. Đây vốn là biểu tượng tiêu biểu cho lối kiến trúc hiện đại nhất hồi Thế kỷ thứ II TCN. Di sản thế giới này hiện đối mặt với nguy cơ bị phiến quân IS tiêu hủy như nhiều thành phố cổ khác ở Iraq và Syria.

    Người phụ trách về các di tích cổ của Syria đã kêu gọi thế giới bảo vệ các tượng đài cổ của nước này. Nơi đây ghi dấu rất nhiều công trình, di tích cổ giá trị được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Trước đó, sau khi đánh chiếm được các thành phố ở Iraq, IS đã nhẫn tâm phá nát những di tích hàng nghìn năm tuổi. Còn các cổ vật quý IS đem bán ở các thị trường chợ đen.

    “IS đã cướp phá các cổ vật đem bán lấy tiền. Đây là một nguồn kinh phí quan trọng cho các hoạt động của chúng. IS thậm chí còn cấp giấy phép cho những ai muốn tìm kiếm cổ vật, miễn là phải nộp một khoản tiền cho chúng”, một thành viên nhóm Bảo vệ cổ vật tại Syria cho biết.

    Các nhóm tội phạm và khủng bố tham gia vào hoạt động buôn lậu đồ cổ ở các mức độ khác nhau. Đôi khi các nhóm này tự quản lý đội ăn trộm và tham gia vào quá trình đánh cắp từ đầu tới cuối. IS sử dụng phương thức khảo cổ gọi là “khảo cổ bằng máy ủi” (đào xới bằng bất kỳ thiết bị gì có được, có sức tàn phá khủng khiếp.

    Tuy nhiên, đó là điều hi hữu. Thông thường, thành viên các nhóm này không tự mình ăn trộm mà sử dụng người địa phương để đào vị trí khảo cổ và lăng mộ. Sau đó nhóm IS thu thuế, theo luật Sharia, dựa trên giá trị của bất kỳ báu vật nào lấy được. Không một ai biết những gì đã được tìm thấy từ đào xới và sự cướp bóc như vậy sau này cũng không thể nào xác định được.

    “Đồ cổ cho chiến tranh” là thuật ngữ chỉ các món đồ cổ bị đánh cắp, buôn lậu và bán cho những kẻ môi giới trái phép trên khắp thế giới để gây quỹ cho các hoạt động quân sự hoặc bán quân sự. UNESCO ước tính hoạt động buôn bán “đồ cổ cho chiến tranh” có giá trị hơn 2,2 tỉ USD và ngày càng lớn mạnh do các nhóm tội phạm hiểu rõ giá trị của những đồ vật ra đời từ thời xa xưa.

     Đường đi lắt léo của những cổ vật

    Theo báo cáo của The Guardian, chỉ trong một tháng, IS đã thu tới 36 triệu đô la Mỹ khi bán những cổ vật có niên đại 8.000 năm của Syria, trong đó có những cổ vật quý giá tại thành phố cổ Aleppo, Syria, một trong những công trình được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

    Những bức tượng hoặc đền đài có giá trị nhưng không thể mang đi bán được, chúng phá hủy không thương tiếc. Những cổ vật có thể tháo gỡ và đem đi bán là một nguồn thu nhập béo bở cho những chiến binh hồi giáo. Các cổ vật của Syria được buôn lậu thông qua hai trạm trung chuyển chính, Thổ Nhĩ Kỳ và Libăng, trước khi tới điểm đến cuối cùng là châu Âu.

    Tại Syria, bọn buôn đồ cổ móc nối để di chuyển cổ vật bằng xe taxi. Một tay buôn lậu trẻ tuổi cho biết, để đưa được các cổ vật qua biên giới không phải chuyện gì quá phức tạp. “Chúng tôi chỉ cần thuê một chiếc taxi và di chuyển, tất nhiên, phải mất một khoản phí cho các lực lượng bảo vệ biên giới”, người này nói.

    Đồ cổ Iraq có thể bị buôn lậu sang tận Pháp, Ý và Thụy Sĩ bằng đường biển hay các nước láng giềng thân cận như Jordan, Ả rập Xê út, Iran bằng đường bộ. Đồ cổ được đưa qua nhiều kênh khác nhau ra khỏi Iraq trong đó có nhiều thủ thuật đặc trưng thời hiện đại, đó là internet. Internet đã trở thành địa bàn chính cho các hoạt động tội phạm và không có gì đáng ngạc nhiên khi các đồ cổ trái phép xuất hiện tràn lan trên mạng.

    Các tay buôn đồ cổ đưa lên mạng những hình ảnh, trao đổi, thỏa thuận giá cả trước khi chính thức đưa cổ vật đến các đại lý. Các đại lý này có hẳn một đội chuyên kiểm tra, thu thập thông tin về những mặt hàng trước khi chuyển tiền đến. "Công đoạn" tiếp theo của các đại lý là tiến hành liên lạc với những người giàu có, có sở thích sưu tầm cổ vật nghệ thuật để bán.

    Cuối cùng, các món đồ được đưa tới tay những nhà sưu tập tư nhân. Mặc dù các nhà sưu tập này sẽ không đem trưng bày ngay các món đồ cổ bị buôn lậu mà sẽ đợi vài năm tới khi vụ án lắng xuống và bán những món đồ này cho các viện bảo tàng.

    Arthur Brand thuộc hãng Artiaz tại Amsterdam (một trong những hãng đang cố gắng tìm kiếm các đồ nghệ thuật bị đánh cắp) đã gọi việc buôn bán trái phép này là buôn “đồ cổ nhuốm máu”. Trong khi đồ cổ thường khó vận chuyển hơn so với kim cương máu, nó lại có tiềm năng được giá hơn nhiều.               

    Giải cứu cổ vật khỏi Palmyra

    Ông Maamoun Abdulkarim - Giám đốc bảo tàng cổ vật Syria cho biết, hàng trăm bức tượng cổ và các cổ vật quý đã được cất giấu an toàn. Ông Abdulkarim nói: “Chúng tôi giải cứu được hàng trăm bức tượng cổ giá trị và tuyệt đẹp khỏi sự vây hãm của các tay súng IS. Hai nhân viên của chúng tôi đã bị thương trong cuộc giải cứu này. Song may mắn là chúng tôi đã mang được những cổ vật đó ra ngoài Palmyra và đã cất giấu chúng ở  những địa điểm an toàn. Điều chúng tôi lo sợ nhất hiện nay là số phận của những công trình như nghĩa trang cổ, những ngôi đền và nhiều di tích lịch sử cổ ở thành phố này

    THANH XUÂN (theo Telegraph, The Guardia, BBC)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/is-va-cuoc-vo-vet-thu-loi-khung-tu-nhung-do-co-nhuom-mau-a97027.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.