Tại Indonesia, các nhân viên Facebook đang phải đối mặt với các cuộc điều tra không "mấy dễ chịu" từ chính phủ và cảnh sát.
Mạng xã hội Facebook đang phải đối mặt với các mức án hình sự tại Indonesia sau khi cảnh sát và chính phủ nghi ngờ công ty này đã tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng cho mục đích thương mại.
Bộ trưởng Truyền thông Indonesia Rudiantara đã yêu cầu Cảnh sát trưởng Tito Karnavian điều tra sự việc sau khi Facebook tiết lộ thông tin cá nhân của hơn 1.000.000 người dùng trong vụ bê bối Cambridge Analytica. Trước đây, Bộ trưởng Rudiantara đã từng đe dọa sẽ đóng cửa Facebook Indonesia vì vấn đề này.
Bộ trưởng Truyền thông Indonesia Rudiantara - Ảnh: Reuters |
Các nhân viên của Facebook Indonesia cũng có thể phải chịu án phạt 12 năm tù và 12 tỷ rupiah (871.000 USD) nếu bị phát hiện có hành vi xâm phạm thông tin cá nhân theo luật pháp Indonesia. Ông Rudiantara khẳng định: "Tôi đang thực hiện nghiêm túc và đã có những bước đi cần thiết nhằm phối hợp với cơ quan pháp luật để giải quyết vấn đề này”.
Ngày 5/4, Bộ trưởng Truyền thông cũng đã triệu tập đại diện của Facebook, yêu cầu cung cấp các thông tin về bên thứ ba nhận các thông tin người dùng và gửi thư cảnh báo. Ông nói: "Nếu họ không thể đưa ra các kết quả và thông tin chính xác, chúng tôi sẽ đóng cửa mạng xã hội này”.
Facebook cho biết họ đã thực hiện nhiều bước củng cố bảo mật thông tin người dùng sau hàng triệu email thắc mắc về vấn đề tại Indonesia – quốc gia có hơn 115 triệu người dùng.
Như vậy, Indonesia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức sử dụng pháp luật để khiêu chiến với ông lớn Facebook. Hầu hết các nước khác trong khu vực đều phải đối mặt với nạn tin giả và tuyên truyền thông tin phản động trên mạng xã hội nhưng không thể giải quyết triệt để do các kẽ hở trong luật pháp.
Thu Phương(Theo Bloomberg)