+Aa-
    Zalo

    Huyện Bắc Mê (Hà Giang): Chung tay giảm tỷ lệ người nghèo, hộ nghèo trên địa bàn

    • Minh HuyềnDSPL

    (ĐS&PL) - Những năm qua, việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trong năm 2024 đã được UBND huyện Bắc Mê thực hiện quyết liệt.

    Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang và sự phối hợp của các sở, ban, ngành trong tỉnh, việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trong năm 2024 đã được UBND huyện Bắc Mê thực hiện quyết liệt.

    Bắc Mê là huyện nghèo 30a, gồm 18 dân tộc cùng chung sống. Huyện có 12 xã, 01 thị trấn, trong đó có đến 10 xã thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, đầu năm 2022, toàn huyện có 5.107 hộ nghèo, chiếm 46,83% tổng số hộ và 2.086 hộ cận nghèo, chiếm 18,49%.

    Huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang

    Huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang

    Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, huyện Bắc Mê đã chỉ đạo ban ngành chuyên môn phối hợp với các đơn vị, xã, thôn trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.

    Tích cực tuyên truyền về công tác giảm nghèo, tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả thiết thực, từ đó đề cao vai trò của người dân, đặc biệt là bản thân người nghèo là nhân tố quyết định đến sự bền vững của chương trình.

    Ngoài ra, huyện còn vận động, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đổi mới, đẩy mạnh nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

    Lớp dạy nghề cho người dân tại huyện Bắc Mê

    Lớp dạy nghề cho người dân tại huyện Bắc Mê

    Một số kết quả mà huyện Bắc Mê đã đạt được sau thời gian thực hiện chương trình như hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động vay vốn giải quyết việt làm là 511 lượt. Với nguồn lực kinh phí trên đã góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Tiếp nhận và thẩm định đề nghị Hỗ trợ người lao động đi làm việc ngoài tỉnh theo Nghị quyết số 27/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng nhân tỉnh về hỗ trợ người lao động tỉnh Hà Giang đi làm việc ở nước ngoài và đi làm việc ngoài tỉnh: 59 lao động = 88.500.000 đồng.

    Dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến y tế cơ sở ngày càng được cải thiện và nâng cao về chất lượng. Đồng thời, huyện thực hiện mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo luật Bảo hiểm Y tế và Nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Giang theo đúng quy định. Từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 49.041 người với tổng kinh phí là 45.453 triệu đồng.

    Giáo dục và đào tạo nghề cũng được lãnh đạo HĐND, UBND huyện quan tâm, theo dõi, chỉ đạo thường xuyên. Theo đó, phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Bắc Mê đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học trực thuộc trong toàn huyện thực hiện các chế độ, chính sách đối với học sinh và cán bộ giáo viên. Các đơn vị trường học đã thực hiện xét duyệt học sinh thụ hưởng các loại chế độ đầy đủ, đúng đối tượng theo quy định. Tính đến tháng 4/2024, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức thực hiện liên kết (đặt địa điểm đào tạo) với trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ, duy trì đào tạo trình độ trung cấp nghề 05 lớp với 107 học viên.

    Từ các hoạt động đào tạo trên, người lao động được tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật mới, nhiều ngành nghề mới, góp phần vào giải quyết việc làm tại chỗ của địa phương.

    Chính quyền địa phương huyện Bắc Mê đặc biệt quan tâm, thực hiện các chính sách, giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tranh thủ tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhóm trẻ em đó trên địa bàn được quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống, học tập gắn liền với các hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em, trẻ em được quan tâm khám, phẫu thuật miễn phí. Trong tháng 3/2024, huyện Bắc Mê đã phối hợp với Trung tâm CTXH tỉnh Hà Giang tổ chức khám sàng lọc cho 37 trẻ em khuyết tật, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa các trẻ có chỉ định phẫu thuật tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Hỗ trợ mai táng phí cho một trẻ em bị tử vong do đuối nước là 19 triệu đồng.

    Từ kết quả trên cho thấy việc triển khai thực hiện từng bước có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

    Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, huyện Bắc Mê vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc triển khai, hướng dẫn thực hiện các công trình, chuỗi liên kết, mô hình sản xuất cộng đồng, giải ngân nguồn vốn chuyển tiếp các năm 2022, 2023 sang năm 2024 còn chậm. Một số hộ nghèo, hộ cận nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn vươn lên thoát nghèo, đặc biệt trong việc đăng ký tham gia các mô hình giảm nghèo, các dự án hỗ trợ giảm nghèo. Việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của một số ít các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chưa thường xuyên, quyết liệt, nhất là thời điểm sau nghỉ tế cổ truyền.

    Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong chương trình MTGD, HĐND, UBND huyện Bắc Mê ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện theo các mô hình, tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Các dự án giảm nghèo cần chú trọng gắn với nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế địa phương, sản xuất sản phẩm đặc sản của địa phương và có lộ trình xây dựng thương hiệu sản phẩm.

    Hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Điều này góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động thuộc huyện nghèo, vùng khó khăn.

    Chỉ có triển khai một cách thường xuyên và đồng bộ các giải pháp trên cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành mới có thể thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/huyen-bac-me-ha-giang-chung-tay-giam-ty-le-nguoi-ngheo-ho-ngheo-tren-ia-ban-a476178.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.