Theo báo Chính phủ, ngày 3/3, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa đón Tết Nguyên đán trong không khí hồ hởi, phấn khởi, vui tươi, lành mạnh với những tín hiệu may mắn, tốt đẹp, tạo thêm động lực mới, khí thế mới, quyết tâm mới.
Tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, các thành viên Chính phủ khẳng định, tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát. Đến nay, mặc dù số ca mắc tăng nhưng tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp cho thấy rõ tính hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch đã được đề ra. Trong công tác phòng chống dịch, luôn coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Tập trung chỉ đạo, triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; chuẩn bị điều kiện, đẩy nhanh nhập khẩu vaccine để tổ chức tiêm cho trẻ 5-11 tuổi.
Đến nay, nước ta đã tiếp nhận 218 triệu liều vaccine, tiêm gần 202 triệu liều; người từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 tương ứng là 100%, 97,9%, 34,5%; trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỷ lệ 98,7%, 93,3%.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh, cả nước ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng (đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc). Ở một số địa phương chưa quyết liệt trong đẩy manh tiêm chủng. Xuất hiện tình trạng "loạn giá" thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch tại một số địa phương...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng, chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế chính xác tình hình dịch bệnh, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Bộ Công an đang điều tra chất lượng kit test Việt Á
Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trả lời câu hỏi về vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn bộ Công an, cho biết Cơ quan CSĐT bộ Công an đã ủy thác cho Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương để điều tra, xử lý theo quy định.
“Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan CSĐT của 62/63 tỉnh, thành đã tiến hành thu thập tài liệu liên quan đến Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm trực tiếp, gián tiếp cho các tổ chức, cá nhân, pháp nhân tại các địa phương để tập hợp, củng cố, xác minh, làm rõ đầy đủ các hành vi vi phạm của các đối tượng trong vụ án”, ông Xô cho hay.
Về thu hồi tài sản của các đối tượng, đại diện bộ Công an cho hay hiện cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên, thu hồi tài sản của các bị can, đối tượng có liên quan với số tiền hơn 1.600 tỉ đồng.
Trung tướng Tô Ân Xô cũng cho hay thực hiện yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì Cơ quan CSĐT bộ Công an đang tích cực điều tra, xác minh tại các bộ, ban ngành có liên quan để làm rõ hành vi sai phạm trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, thông tin quảng cáo, tổ chức sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm kit test của Công ty Việt Á.
Dự kiến giảm thuế môi trường 1.000 đồng/lít xăng
Tại cuộc họp, Thứ trưởng bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết nhằm bình ổn giá xăng dầu, bộ Tài chính vừa có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để xây dựng dự thảo nghị quyết điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
“Nội dung chính mức thuế đối với xăng giảm 1.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu có chung đề xuất với mức giảm là 500 đồng/lít… Nếu được thông qua, chính sách này sẽ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022”, ông Chi thông tin.
Thứ trưởng bộ Tài chính cũng cho biết dự kiến việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nếu được thực hiện từ tháng 4/2022 thì sẽ khiến ngân sách giảm thu hơn 11.000 tỉ đồng.
Liên quan đến đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sản xuất xăng dầu trong nước mới đáp ứng được 70%-75%. Trong đó, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn đáp ứng 35%, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đáp ứng 35%-40%. Tuy nhiên, vừa qua nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn, sản lượng giảm từ 90% công suất xuống còn 55%-60% công suất, dẫn tới lượng xăng dầu sản xuất trong nước thiếu hụt.
“Có một số địa phương thiếu hụt xăng dầu cục bộ, chủ yếu tại các tỉnh miền Nam giáp biên giới”, ông Hải nói và cho biết bộ Công Thương đã làm việc với 10 doanh nghiệp để nhập xăng dầu đáp ứng nhu cầu trong nước, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý II-2022.
Liên quan đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, ông Hải cho hay trước dây điều chỉnh hai lần/tháng, giờ Nghị định 95 cho phép điều chỉnh ba lần/tháng. Nghị định 95 cũng cho phép trong điều kiện bất thường thì liên bộ Công Thương - Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng quyết định.
“Vừa qua, bộ trưởng bộ Công Thương có yêu cầu tổ công tác của bộ làm việc với bộ Tài chính để nếu trong trường hợp giá xăng dầu biến động mạnh thì hai ngày báo cáo một lần để Thủ tướng xem xét, quyết định”, ông Hải cho hay.
Hoa Vũ (T/h)