Meredith Kopit Levien, chủ tịch và giám đốc điều hành New York Times, hôm 7/12 (giờ địa phương) đã gửi cho nhân viên tòa soạn một email có nội dung như sau: "Thật đáng thất vọng khi họ lại có hành động quyết liệt như vậy, dựa trên cam kết rõ ràng mà chúng tôi đã thể hiện trong nỗ lực đàm phán để đạt được hợp đồng tăng lương cho các nhà báo và đảm bảo những lợi ích dẫn đầu thị trường và điều kiện làm việc linh hoạt".
Liên đoàn NewsGuild của New York (Mỹ), đại diện cho các nhà báo và các nhân viên của New York Times, cho biết cuộc đình công xảy ra là do "phía tòa soạn không thương lượng một cách thiện chí để đạt được thỏa thuận hợp đồng công bằng với người lao động và đáp ứng yêu cầu của họ".
Vụ đình công đã khiến New York Times rơi vào cảnh thiếu nhân sự trầm trọng, cản trở công việc của một trong những hãng tin tức hàng đầu nước Mỹ.
Tại cuộc biểu tình bên ngoài Quảng trưởng Thời đại ngày 8/12, các nhân viên New York Times đã sử dụng các biểu ngữ kêu gọi tăng lương. Một tấm bảng hiệu ghi: "Chúng tôi làm nên tờ báo, chúng tôi đem lại lợi nhuận".
Một giám đốc điều hành giấu tên của New York Times thừa nhận vụ đình công đang tạo ra những thách thức lớn. Nhưng theo người này, cơ quan quản lý đã lường trước được sự việc và đang dựa vào những nguồn lực khác để duy trì hoạt động của tờ báo, bao gồm những công tác viên trên toàn cầu - những người không thuộc liên đoàn.
Joe Kahn, tổng biên tập New York Times, thông tin trong một bản ghi chú: "Chúng tôi sẽ cung cấp báo cáo vào ngày 8/12 nhưng mọi việc sẽ khó khăn hơn thường ngày".
Bà Kopit Levien viết thêm trong email rằng: "New York Times có kế hoạch để tiếp tục đảm bảo nhiệm vụ của mình đối với độc giả công chúng bằng cách đưa tin đầy đủ nhất và không để cuộc đình công cản trở hoạt động".
Tuy nhiên, một số nhân viên của New York Times đã đẩy sự việc đi xa hơn khi kêu gọi độc giả ngừng đọc tin tức của tờ báo này.
Cụ thể, nhà phê bình nổi tiếng Amanda Hess viết trên Twitter: "Chúng tôi đề nghị độc giả không tham gia vào bất kỳ nền tảng nào của tờ New York Times và sát cánh cùng chúng tôi thông qua mạng xã hội".
Trong những tuần gần đây, nhiều hãng tin tức của Mỹ như CNN đã sa thải hàng trăm nhân viên, chuỗi báo Gannett cắt giảm 200 nhân sự, NPR đang cố gắng giảm bớt khoản chi 10 triệu USD trong khi các trang khác bắt đầu cắt giảm ngân sách và ngừng tuyển dụng.
Dù New York Times khẳng định họ vẫn duy trì việc làm và "tăng lương đáng kể" với liên đoàn nhưng phía liên đoàn lại đưa ra ý kiển ngược lại. Họ cho rằng những nhượng bộ của New York Times là sự "thấp hèn" và chỉ trích ban quản lý vì gần như không có sự thay đổi mức lương.
Hai bên đã thương lượng kể từ khi hợp đồng hết hạn vào tháng 3/2021. Cuối tuần trước, NewsGuild đã thông báo với New York Times về kế hoạch tổ chức một cuộc đình công, một động thái nhằm gây áp lực lên ban quản lý để buộc họ nhượng bộ trong các cuộc đàm phán.
Minh Hạnh(Theo CNN)