(ĐSPL) - Năng suất lao động tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN còn “quá thấp”, chưa bằng một nửa Thái Lan, bằng 3/4 Malaysia và chỉ bằng 1/10 so với Singapore, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết.
Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam có tới 67.000 người chỉ làm công việc thu tiền điện. |
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương chiều 2/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay tập đoàn này đang có số lao động khá lớn, lên tới trên 100.000 người, trong đó có tới 67.000 lao động làm công việc thu tiền điện.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện năng suất lao động tại EVN còn “quá thấp”. Cụ thể, Tổng công ty Điện lực HCM có năng suất lao động cao nhất hiện là 2,4 triệu kwh/người lao động; trong khi con số này tại Malaysia khoảng 2,9 triệu kwh/người lao động và tại Tập đoàn Tepco (Nhật Bản) là 7,5 triệu kwh/người lao động….Tính chung, năng suất lao động ngành điện Việt Nam chưa bằng một nửa Thái Lan, bằng 3/4 Malaysia và chỉ bằng 1/10 so với Singapore. “Ngành điện phấn đấu tới năm 2020, năng suất lao động sẽ ngang bằng với Thái Lan, Malaysia”, ông Hoàng Quốc Vượng nói.
Về vấn đề này, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh lý giải, năng suất lao động phụ thuộc vào trang thiết bị. Ở các nước, khâu thu tiền điện, ngành điện thu tiền qua ngân hàng, trong khi Việt Nam lại đi thu tiền tại chỗ.
Thủ tướng cho rằng, nếu năng suất lao động do biên chế tăng quá lớn thì yêu cầu EVN phải xem xét lại bộ máy, cắt giảm tinh gọn biên chế; nếu thiếu thiết bị thì phải đi mua để giảm số người phục vụ .
Trong khi năng suất lao động khá thấp, thì theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, thu nhập bình quân của nhân viên ở công ty mẹ - EVN ở mức gần 14 triệu đồng/người/tháng trong nhiều năm liền; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là gần 11 triệu đồng/người/tháng.
Mới đây, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tiền lương của lãnh đạo EVN lên tới 61,32 triệu đồng/tháng đối với chức danh Chủ tịch và 53,4 triệu/tháng đối với Tổng giám đốc.