Sau nhiều năm chấp hành án ở trại giam Quyết Tiến (bộ Công an), phạm nhân Đỗ Sỹ Mười - người đàn ông gốc Hưng Yên vẫn luôn tự nhận mình may mắn vì đã được “sinh ra lần thứ hai” sau án tử. Đông cũng như hè, đêm nào người đàn ông ấy cũng mường tượng con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà thân thương, nghĩ đến bữa cơm gia đình với món cá kho thơm ngon mang “hương vị vợ”.
Khai sinh lần thứ hai sau “án tử”
Đã nhiều năm trôi qua, phạm nhân Đỗ Sỹ Mười (SN 1966, trú tại huyện Mộc Châu, Sơn La) vẫn nhớ như in một buổi chiều mùa hè ngày 5/5/2011 với tiếng ve rạo rực trên những tán cây. Cái khoảnh khắc như được “tái sinh” khiến Đỗ Sỹ Mười không thể nào quên: “Tôi còn nhớ, vào 17h ngày hôm ấy, khi thoát được “án tử”, tôi đã nghẹn ngào như được khai sinh lần thứ hai”.
Đỗ Sỹ Mười bị bắt từ tháng 3/2006 với tội danh Mua bán trái phép chất ma túy. Phạm nhân Mười không giấu nổi niềm vui khi được ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân.
Sinh ra và lớn lên tại xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, năm 2001, Đỗ Sỹ Mười cùng gia đình chuyển lên sinh sống tại bản Cò Chàm (Sơn La), hành nghề sửa chữa xe máy.
Phạm nhân Đỗ Sỹ Mười tại trại giam Quyết Tiến. |
Tại đây, Mười có quen biết một đối tượng tên Vàng A Cải (bản Hang Kia, huyện Mai Châu, Hòa Bình). Cải đã bàn bạc với Mười để mua bán ma túy, cụ thể, Cải cung cấp còn Mười tìm nơi tiêu thụ.
Tháng 12/2005, đối tượng Cải mang theo 2 bánh heroin về xã Đồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên và giao cho Đỗ Sỹ Mười bán. Mười được Cải cho 200 USD.
Đến tháng 1/2006, Vàng A Cải tiếp tục mang 23 bánh heroin về cho Mười bán, thỏa thuận cứ bán được mỗi bánh thì Mười được nhận 100 USD. Lần này, Mười giúp bán được 3 bánh nên được Cải cho 300 USD và Cải mang 20 bánh còn lại đi.
Bị bắt vào ngày 29/3/2006, Đỗ Sỹ Mười tưởng như đã “cầm chắc trong tay” án tử, mọi thứ như sụp đổ trước mắt chỉ vì những phút nông nổi, “tham vọng làm giàu không khó”. Chính vì vậy, giây phút biết mình được ân giảm xuống chung thân, người đàn ông ấy như “vỡ òa” cảm xúc vì sẽ không phải lo sợ “ra đi” sớm, không thấy gương mặt vợ, không nghe tiếng nói của các con.
Nhớ lại những ngày tháng lầm lỡ của hơn 13 năm trước, Đỗ Sỹ Mười vẫn không ngừng nỗi niềm hối hận: “Cho đến bây giờ, tôi ngồi nghĩ lại, vẫn thấy thực sự không đáng, chỉ vì vài ba đồng tiền, 200-300 USD mà phải vào vòng lao lý, trả giá quá đắt. Hồi đó, mới chuyển lên Sơn La, cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào tiệm sửa xe máy tự đầu tư, lượng khách hàng cũng không ổn định nên kinh tế thực sự khó khăn. Đói quá! Nghe những lời dụ dỗ “bùi tai”, tôi đã không làm chủ được mình...”.
“Tôi thương vợ tôi lắm, thấy bản thân có lỗi với gia đình quá nhiều, nghĩ vì mình mà vợ con phải khổ thêm, nhưng tôi chưa bao giờ nói ra, chỉ lặng lẽ nhìn ánh mắt chùng xuống của người thân mà quặn thắt trong lòng. Ở tuổi này rồi, mấy lời ngọt ngào hay xin lỗi trước mặt con trẻ cũng trở nên “xa xỉ” hơn hay sao đó, tôi chỉ nắm chặt tay vợ mình rồi đẩy hết nỗi niềm qua hơi ấm ấy trong lặng im...”, Đỗ Sỹ Mười bỗng trở nên trầm ngâm khi nhắc đến người vợ tảo tần một tay chăm sóc, quán xuyến gia đình suốt hàng chục năm qua.
“Thèm nồi cá kho của vợ!”
Người đàn ông mái tóc điểm hoa râm khẽ vân vê các ngón tay khi nhắc đến ngày mình vướng vòng lao lý.
“Cái ngày tôi bị bắt là khi tôi đang đi ngoài đường, vợ con không một ai hay biết, cũng như không ai tin được rằng, tôi có tham gia mua bán heroin. Từ lúc biết tin tôi bị bắt, vợ tôi gầy rộc hẳn đi, nhưng có lẽ vì thương chồng nên cũng chẳng một lời trách móc gì. Tôi biết, vợ tôi chỉ giấu nỗi buồn trong lòng...”, phạm nhân Mười kể.
Vợ chồng Đỗ Sỹ Mười sinh được hai cậu con trai và một cô con gái, mặc dù phải bỏ học từ sớm theo gia đình lên Sơn La từ nhỏ, nhưng hiện giờ, cả ba đều đã có công việc ổn định, tuy không đến mức quá dư dả nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống. Điều may mắn và hạnh phúc đối với Đỗ Sỹ Mười là hiện tại, các con đều đã lập gia đình, sinh những đứa cháu kháu khỉnh, ngoan ngoãn.
Mặc dù vậy, đó cũng là một trong những nỗi tủi hờn của người bố ấy: “Thấy các con trưởng thành, có gia đình riêng hạnh phúc, tôi cũng yên tâm phần nào, có các con, các cháu quây quần, vợ tôi cũng có chỗ dựa tinh thần. Chỉ ngặt một nỗi, tôi phải vào nhà giam từ khi các con còn nhỏ dại. Khi từng đứa, từng đứa lập gia đình, người làm bố như tôi lại không thể ở bên lo toan, san sẻ. Tôi vẫn tự dằn vặt như vậy mỗi khi nghe “tin vui” từ gia đình báo lên”.
Từ khi Đỗ Sỹ Mười được chuyển lên trại giam Quyết Tiến, cứ độ hai tháng, gia đình lại thu xếp công việc, vượt hơn 300km lên thăm một lần. Đến giờ, các con cũng đưa cháu lên thăm ông, cô con gái út được xem là thân với bố nhất cũng luôn động viên bố cố gắng cải tạo thật tốt để sớm có ngày trở về với gia đình.
Bỏ quên một cái thở dài đánh thượt xuống mặt bàn, nam phạm nhân tuổi trung niên ấy ngẩng cao đầu mà quả quyết: “Mỗi lần các con lên thăm, tôi vẫn thường dặn, lấy cảnh này của bố mà làm gương, đừng bao giờ dính líu đến những thứ vi phạm pháp luật. Tiền chẳng giải quyết được gì khi mình phải vào đây đâu, con à!”.
Ở trong trại giam, Đỗ Sỹ Mười cũng kết thân được với vài ba người bạn tù, thỉnh thoảng sẻ chia, đỡ đần nhau lúc ốm đau, còn chuyện gia đình, người đàn ông ấy khẳng định tuyệt nhiên không muốn chia sẻ cho mọi người.
Người đàn ông 53 tuổi ấy bộc bạch: “Mắt tôi kém không viết được thư, nhưng cũng may mắn là trại cho gọi điện về cho gia đình. Cuộc gọi đầu tiên là sau hơn 5 năm không được nghe tiếng của gia đình, bữa ấy, lần đầu tiên được nghe lại những giọng nói thân thương thì tôi đã không giấu nổi sự xúc động, nghẹn ngào, rớm nước mắt. Tuy chỉ 5 phút ngắn ngủi nhưng mang đến cho tôi một nguồn động lực rất lớn để tích cực cải tạo hơn”.
Mùa đông cũng như mùa hè, đêm nào, người đàn ông ấy cũng mường tượng đến hình ảnh con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà thân thương, nghĩ đến mâm cơm gia đình với món cá kho thơm ngon mang “hương vị vợ”.
Nam phạm nhân bỗng rưng rưng một nỗi niềm nào đó sâu thẳm: “Đến bây giờ tôi vẫn không quên được cái Tết đầu tiên xa gia đình, đêm Giao thừa ngồi trong trại tạm giam, mà lòng nhớ nhà da diết, thèm giây phút ở nhà với vợ con, quây quần bên gia đình. Những đêm đầu tiên trong trại tạm giam, tôi đã thao thức, sau đó, bình tĩnh lại thì đắm mình vào cuộc sống trong này, cũng trầm lặng hơn, mỗi khi buồn thì chỉ biết tập trung vào công việc cho quên nỗi buồn.
Bố mẹ tôi đều mất đã lâu, hiện giờ, việc hương khói, giỗ chạp chỉ biết trông vào các anh chị và vợ con ở nhà. Tôi ngồi trong này, chỉ biết để trong tâm, nhớ về bố mẹ, cảm giác bất hiếu quá...
Tôi cũng nhớ bữa cơm gia đình quây quần bên nhau biết bao! Nhớ nhất là món cá kho mang “hương vị của vợ”, đã bao nhiêu năm không được nếm lại. Nhiều lúc ước được thưởng thức lại bữa cá kho vùi rơm thơm phức của vợ mà hiện tại vẫn chỉ là giấc mơ suốt hơn 13 năm ròng rã...”.
Mong ước được trở về nơi quê hương Phạm nhân Đỗ Sỹ Mười chia sẻ: “Vào tháng Tư vừa rồi, trại có tổ chức đại hội gia đình, tạo điều kiện cho gia đình lên thăm và ăn cơm cùng nhau, mặc dù không có món cá kho của vợ, nhưng tôi đã rơi nước mắt trong những giây phút đoàn tụ ngắn ngủi như thế. Tôi mong cải tạo thật tốt để sớm hết án, cùng vợ trở về quê cha đất tổ, quanh quẩn ruộng đồng nơi Khoái Châu, Hưng Yên, chăm sóc vợ trong những ngày tháng sau này”. |
Phạm nhân Đỗ Sỹ Mười tại trại giam Quyết Tiến.
Nguyễn Hường - Thủy Tiên
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 141