Nhắc đến báo chí, nhiều người thường nghĩ luôn tới các phóng viên - tác giả của mỗi tác phẩm mà ít khi nói tới biên tập viên cũng như những công việc thầm lặng.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, báo chí càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, ở mỗi tòa soạn biên tập tuy không hẳn là một nghề “hot” nhưng vẫn được những người viết lách yêu mến, trân trọng.
Học trái ngành, tôi bước vào nghề với kinh nghiệm, kiến thức gần như bằng con số 0. Tôi bắt đầu những bước đầu học hỏi, học cách viết, cách làm tin, bài để phù hợp với xu hướng của độc giả. Tất cả đều phải học lại từ đầu, những kiến thức bao năm qua quen thuộc với tôi gần như không được sử dụng tới. Sống và làm việc giữa những người được đào tạo từ trường Báo, những người học ngành ngôn ngữ, truyền thông, tôi chợt thấy mình nhỏ bé giữa rừng văn chương.
Với tôi, Đời sống và Pháp luật là gia đình. |
Nhưng được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của những đàn anh, đàn chị của Tạp chí Đời sống & Pháp luật, tôi được chỉ dẫn cách thức tiếp cận đề tài, triển khai vấn đề, sắp xếp bố cục để hình thành nên một bài báo. Từ cách viết những tin, bài, tôi học được cách soát lỗi, phát hiện chỉnh sửa, gọt giũa, trau chuốt để tác phẩm tròn trĩnh, sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn.
Trong quá trình công tác, tôi may mắn được Tổng biên tập, Ban biên tập cho trải nghiệm các công việc từ phóng viên, biên tập viên báo điện tử, biên tập viên báo giấy. Từ những kinh nghiệm trong quá trình công tác suốt hơn 5 năm qua, tôi trân trọng hơn công việc mình đang làm. Tôi luôn tự nhủ không được phép xuề xòa, bỏ qua trước những thông tin còn nghi ngờ cần kiểm chứng sẽ dễ dẫn đến những lỗi đáng tiếc, ảnh hưởng chung tới uy tín của tòa soạn, tác giả bài viết và cả chính bản thân người biên tập bài viết đó.
Là người làm việc thầm lặng ở tòa soạn, để thực hiện tốt chức năng là “bà đỡ” của mình, tôi thấy mình cần nhạy bén, công tâm, khách quan, chú trọng trau dồi nghiệp vụ, rèn luyện trí nhớ tốt và nâng cao kiến thức toàn diện.
Việt Hương