Mưa vẫn xối xả dội xuống mảnh đất miền Trung những ngày qua đã quá đỗi đau thương. Nhưng trong khó khăn hoạn nạn cùng cực, con người Việt Nam mới càng thể hiện rõ nghĩa tình đồng bào trong bọc trứng và cả tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh phi thường.
Những chiếc cáng khiêng người bị thương ở Trà Leng đi cấp cứu phải vượt qua 17 – 18km với nhiều hiểm nguy. |
Nghĩa tình ở Trà Leng
Tang thương ập đến ngôi làng với hơn 50 nhân khẩu ở xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam). Ngay khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng cùng người dân địa phương đã khẩn trương vào cuộc cứu nạn. Công tác này diễn ra xuyên ngày, xuyên đêm.
Thủ tướng có công điện khẩn ngay khi nghe thông tin, một Phó Thủ tướng trực tiếp vào địa bàn tổ chức họp khẩn trong đêm để tìm phương án tối ưu nhất giải cứu những người còn sống và tìm kiếm nạn nhân mất tích. Chính quyền địa phương rốt ráo vào cuộc, các lực lượng cứu hộ cứu nạn, đặc biệt là quân đội, công an... Tất cả đều không quản đêm ngày, mưa nắng, khó khăn và cả những hiểm nguy – có thể đe dọa tính mạng của chính mình bất cứ lúc nào để thông đường, gấp rút vào vùng người dân gặp nạn để cứu trợ.
Làn khói nhang hòa với làn sương mù nơi rẻo cao. Người mạnh an ủi người yếu, kẻ sống lo cho người đã khuất được an nghỉ. Một trong những điều khiến nhiều người phải khâm phục nghĩa tình của những người dân miền sơn cước chính là việc những thanh niên khiêng hàng chục nạn nhân vượt núi, vượt đèo ra ngoài cấp cứu.
Trò chuyện với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, chị Hồ Thị Hồng, trú xã Trà Leng, kể rằng, hàng chục thanh niên trong làng đã đào bới trong đống đổ nát, tìm kiếm được chị và đưa ra trung tâm y tế huyện để cấp cứu kịp thời. Nằm thẫn thờ trên võng, ánh mắt vô định rồi những giọt nước mắt ứa ra, chị xúc động nhớ lại: “Cả mấy chục nhà bị vùi hết. Người sống sót cứu người gặp nạn. Chúng tôi không tưởng tượng được chuyện gì vừa xảy ra".
Được biết, thanh niên trong làng đã khiêng chị Hồng vượt quãng đường dài đến 17 – 18km băng qua bao con suối, bao sườn núi để đến được trung tâm y tế huyện. Sự sống của chị - là cả những ân tình, ân nghĩa của con người Trà Leng. Không chỉ ở hiện trường cứu nạn, người dân các địa phương còn tìm đến ở bệnh viện hỏi han, lo lắng cho các nạn nhân. Lực lượng quân đội luôn tay luôn chân không biết mệt mỏi để hỗ trợ người dân. Trong lần chở một gia đình thoát nạn về bệnh viện Bắc Trà My, Thượng úy Võ Văn Thìn - cán bộ huyện đội Tiên Phước - đã nhường lại manh áo và chiếc chăn của mình cho người mà anh đang cứu giúp.
Tại hiện trường cứu nạn hôm đó, PV đã chứng kiến cảnh em Hồ Thị Sa Kỳ bị gãy xương ống, đa chấn thương. Lực lượng quân y khi tiếp cận hiện trường đã chạy đua với thời gian để giúp em. Không cầm được nước mắt trước tiếng khóc vì đau của em, người đàn ông áo xanh đã lao đến nắm tay an ủi em.
Chính những con người ấy, những sự cố gắng phi thường ấy đã góp phần làm nên kỳ tích khi đã có hơn 30 sinh mạng được cứu trong vụ sạt lở vùi lấp khu dân cư hơn 50 người sinh sống.
Sẵn sàng ứng phó thời tiết cực đoan
Hoàn lưu bão số 9 vẫn gây mưa, vẫn xối xả không dứt ở nhiều địa phương miền Trung. Ghi nhận sáng 30/10, lốc xoáy đã khiến 29 ngôi nhà trên địa bàn huyện thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị tốc mái có nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề. Lực lượng đồn Biên phòng Cửa Sót (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) đã điều động 25 cán bộ chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn xuống giúp các hộ bị thiệt hại lợp lại mái để tiếp tục chống chọi với mưa lũ đang diễn biến phức tạp.
Cũng tại Hà Tĩnh, từ chiều 29/10 bắt đầu có mưa to. Đặc biệt từ tối 29 đến sáng 30/10, TP.Hà Tĩnh mưa xối xả liên tục không dứt khiến địa phương này tiếp tục ngập trên diện rộng.
Còn tại Nghệ An, mưa to kéo dài đã khiến nhiều nhà dân bị ngập chìm trong nước, lực lượng chức năng gồm bộ đội và công an đã lao mình vào vùng ngập để cứu hộ. Cụ thể tại phường Bến Thủy(TP.Vinh), nhiều đoạn ngập sâu, lối vào lại nhỏ hẹp khiến lực lượng chức năng khi muốn tiếp cận với hộ dân bị cô lập phải bơi vào. Sau đó, các anh dầm mình trong nước giúp người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ thoát khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Cũng do mưa lớn, trên địa bàn huyện Đô Lương (Nghệ An) đã xảy ra ngập lụt. Cùng với đó, một số đập thủy điện xả lũ nên nước sông dâng cao khiến một số xã, thị trấn nằm ở vùng trũng của huyện đã bị úng ngập cục bộ, một số tuyến đường bị chia cắt, nhiều hộ dân bị cô lập.
Trung tá Thái Khắc Phú - Chỉ huy trưởng ban Chỉ huy quân sự huyện Đô Lương - cho biết: “Chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương di dời tài sản, đưa người dân đến nơi an toàn, tuyên truyền người dân không tự ý di chuyển vào nơi nước ngập sâu đề phòng tai nạn rủi ro. Đồng thời, cắt cử lực lượng túc trực 100% quân số, sẵn sàng ứng cứu, di dời dân ở những điểm ngập sâu khi có lệnh”.
Sáng 30/10, ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch huyện Thanh Chương - cho biết, do mưa lũ nên trên địa bàn có nơi nước lũ đã dâng đến mái nhà. Đặc biệt như ở xã Thanh Mỹ có 6 xóm thì cả sáu đều bị ngập lụt, chỉ một số ít khu vực dân cư trên cao không bị ngập. Số còn lại đã bị nước ngập vào nhà, có nhiều xóm như Mỹ Hương, Mỹ Lương đã bị nước lũ ngập sâu đến tận mái nhà.
Ngay từ tối 29/10, lực lượng chức năng cũng đã khẩn trương sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Sáng 30/10, bộ đội và công an tiếp tục sử dụng xuồng, áo phao đến nhưng nơi ngập sâu “cứu dân” đang bị cô lập. Thậm chí, có nhiều nơi nước ngập đến nóc nhà, lực lượng công an phải dỡ mái ngói kéo dân ra ngoài.
Chỉ trong vòng nửa tháng, 2 cơn bão, nhiều đợt lũ lụt cùng sạt lở đất liên tiếp đã oanh tạc khắp dải đất miền Trung và để lại bao đau thương mất mát cả về người và tài sản. Nhưng dẫu còn khó khăn đến mấy thì tin rằng, với nghị lực phi thường của người dân địa phương nói riêng và sự đồng lòng cả nước hướng về miền Trung thì vùng rốn lũ sẽ sớm gượng dậy và vươn lên.
Con học nội trú về tìm mẹ cha chỉ thấy nấm mồ
Em Hồ Thị Điệp - học nội trú tại trường THPT Nam Trà My - khi hay tin bão số 9 đòi về nhà ở cùng người thân nhưng các thầy cô ở trường không đồng ý. Ngày 29/10, em biết được thông tin đã xảy ra vụ sạt lở núi, chôn lấp cả thôn 1 xã Trà Leng. Em gọi điện về nhà nhưng đầu dây bên kia chỉ là những tiếng “tít tít” nối dài. Em xin thầy cô cho mình được về nhà. Các thầy cô động viên, để em nuôi hy vọng, do ở vùng cao, mưa bão nên sóng yếu không thể liên lạc được. Sau đó, em theo chân thầy cô về làng. Đến nơi, trước mắt em là một bãi tan hoang. Người sống sót trong thôn đến ôm và đưa em đến hai nấm mồ đã được che bạt. Đó là mộ cha mẹ em. Người dân đã tìm thấy họ trong đống đất đá, rồi quấn và chôn tại chỗ... Điệp không nói được gì, chỉ im lặng khóc bên nấm mồ vừa mới được dựng nên. Ở đó, 2 người thân của em đã vĩnh viễn ra đi... |
Nhóm PV MIỀN TRUNG
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (44)