(ĐSPL) - Bộ phim “Her” đã giành được giải Oscar dành cho kịch bản gốc xuất sắc nhất với câu chuyện kể về người đàn ông đã đem lòng yêu chiếc máy tính của mình.
|
Nhân vật Theodore Twombly trong "Her". |
Tác phẩm “Her” của Spike Jonze đã nhận được 4 đề cử cho tượng vàng Oscar, và giành được giải thưởng dành cho kịch bản gốc suất xắc nhất trong lễ trao giải Oscar 2014 diễn ra vào sáng 3/3 theo giờ Việt nam. Trong đó Theodore Twombly (do Joaquin Phoenix thủ vai) đã rơi vào tình yêu với chiếc máy tính Samantha của mình, (Samantha được lồng tiếng bởi Scarlett Johansson).
“Her” được lấy cảm hứng từ Cleverbot, một ứng dụng web sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo, được xây dựng để tương tác tức thì với con người, nó phản hồi gần như ngay lập tức những câu hỏi mà người dùng đặt ra. Những chương trình giống như Cleverbot có một đặc điểm chung là càng nhiều người “nói chuyện” với nó thì nó càng trở nên thông minh.
Nhân vật chính Theodore là một người đàn ông cô đơn, anh thường xuyên nói chuyện với Samantha, chiếc máy tính của mình, giống như đang nói chuyện với một con người thực sự bằng một chiếc tai nghe nhỏ. “Cô ấy” thường thì thầm vào tai anh, đứng về phía anh trong mối quan hệ căng thẳng với vợ cũ, và nói những lời trêu trọc nhẹ nhàng vào mỗi buổi sáng khi anh thức dậy. Theodore đã đem lòng yêu chiếc máy tính của mình. Một tình yêu phức tạp được hình thành trong thời đợi của công nghệ cao.
“Her” chỉ là một câu truyện viễn tưởng do Spike Jonze tưởng tượng ra, nhưng hãy nhìn xung quanh bạn xem, công nghệ đang phát triển theo hướng nào? Các chương trình máy tính ngày càng trở nên thông minh và giờ đây chúng đã có thể “nói chuyện” với chúng ta. Những phầm mềm trợ lý ảo như Siri của Apple hay Google Voice của Google đã có thể hỗ trợ rất nhiều cho người dùng trong rất nhiều công việc như tìm kiếm, tư vấn, hay thậm chí là đưa ra những gợi ý cho những câu hỏi để người dùng lựa chọn. Microsoft cũng sắp ra mắt chương trình trợ lí Cortana của mình, còn Yahoo! mới đây cũng đã khởi động dự án InMind đầy tham vọng. Những người khổng lồ này đang nỗ lực để trong tương lại không xa, những chương trình này có thể nắm bắt được cảm xúc, tâm lí và thể hiện sự đồng cảm với con người. Đó chính là hình ảnh “cô nàng” Samantha trong “Her”.
|
Con người đang dần quên mất danh giới giữ thế giới thực và ảo. |
Liệu có một tình yêu giữa con người và máy tính?
Trong “Her”, Theodore đã này sinh tình cảm với “cô nàng” Samantha do quá trình tiếp xúc hàng ngày, Samantha xuất hiện trong hầu hết các các hoạt động thường nhật của Theodore. Anh cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết và nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm từ Samantha. Mỗi ngày trôi qua, quan hệ giữa Theodore và Samantha càng trở nên gắn bó. Bạn có thấy điều này quen quen? Chắc hẳn là như vậy rồi.
Giờ đây, không khó để bạn bắt gặp khung cảnh những nhóm bạn trẻ ngồi quây quần trong quán cafe nhưng mỗi người chỉ mải mê chú ý tới tới chiếc smartphone trên tay mình. Từ khi các thiết bị di động thông minh trở nên phổ biến, chúng ta ngày càng dành nhiều thời gian cho các sản phẩm công nghệ cao của mình. Đã có rất nhiều báo cáo về tình trạng người dùng chìm đắm vào cuộc sống ảo mà quên mất những hoạt động đời sống đang diễn ra xung quanh. Công nghệ càng phát triển thì tình trạng độc thân (mà giới trẻ bây giờ vận gọi là F.A) càng trở nên phổ biến, vì người dùng cảm thấy “yêu” thế giới ảo của mình hơn, một thế giới mà ở đó họ được sống với đúng “bản chất thật” của mình.
Đến một lúc nào đó, khi các ứng dụng di động đủ thông minh để thấu hiểu và đồng cảm với con người, có lẽ rất nhiều người sẽ không còn muốn bước ra khỏi thế giới ảo của mình nữa. Họ sẽ thực sự “yêu” chiếc máy tính của mình giống như anh chàng Theodore.
Tôi có một đề nghị: bạn nên giành thời gian để cảm nhận “Her” để xem bạn có tìm thấy mình trong đó hay không.
Đức Thọ
Xem thêm clip tỏ tình bằng Game
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/her-giai-oscar-va-cau-chuyen-tinh-yeu-voi-chiec-may-tinh-a24194.html