+Aa-
    Zalo

    Hé lộ về chủ nhân và cuộc sống trong căn biệt thự 100 tuổi của thương gia nức tiếng Hà thành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trên các con phố cổ Hà Nội, không khó để bắt gặp những biệt thự tồn tại cả trăm năm.

    Trên các con phố cổ Hà Nội, không khó để bắt gặp những biệt thự tồn tại cả trăm năm. Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, hiếm có căn biệt thự nào còn tương đối nguyên vẹn như căn biệt thự rộng 800m2 nằm trên phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chủ nhân căn biệt thự này là ai?

    Chủ nhân đời thứ 3 là ai?

    Chúng tôi được cô Lê Thanh Thủy (65 tuổi) - chủ nhân đời thứ 3 đưa đi thăm quan từng ngóc ngách của căn biệt thự có tuổi đời gần trăm năm này.

    Cô cho biết: “Căn biệt thự này là thuộc sở hữu của ông bà ngoại tôi - cụ Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu. Sau đó, ông bà giao cho mẹ tôi - bà Trương Thị Mô cai quản”.

    Cô Thủy chia sẻ: “Mẹ tôi là con gái thứ 2 trong gia đình có 6 anh chị em. Ông bà ngoại tôi là người gốc làng Cổ Điển ngay sát thị trấn Văn Điển (cuối thời Lê đầu thời Nguyễn là xã Cổ Điển, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng). Ngày xưa, ông tôi là nhà thầu khoán, kinh doanh giàu có bậc nhất thời bấy giờ. Ông rất yêu chiều vợ con, sớm tiếp cận với cuộc sống văn minh từ sớm nên đã cho xây căn biệt thự này để gia đình có cuộc sống tiện nghi hơn. Tuy nhiên, năm 1950, ông tôi đưa cả gia đình đến vùng đất mới, ông giao lại căn biệt thự này cho mẹ tôi cai quản”. Theo cô Thủy biệt thự có diện tích 800m2 được xây dựng từ năm 1925. Công trình được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp, đi kèm là đội nhân công xây dựng lên tới gần 100 người từ các tỉnh thành gần Hà Nội. Căn biệt thự được xây liên tục trong 1 năm mới hoàn thiện.

    Biệt thự có lối kiến trúc Pháp, nhà chạy theo hình chữ nhật, các phòng đều thông nhau, ở giữa là giếng trời lấy ánh sáng cho tất cả các căn phòng. Phía sau là nhà phụ nơi ở của gia nhân và để xe. Ở khu vực chính của biệt thự, ông bà của cô Thủy sắp xếp phòng ngủ cho mình và các con ở tầng 2, mỗi người con 1 phòng. Trong các căn phòng được bố trí giường ngủ, bàn uống nước, bàn trang điểm, tủ quần áo làm bằng gỗ lim. Tầng 1 gia chủ dùng làm nơi tiếp khách, mang phong cách truyền thống với đầy đủ sập, gụ, tủ chè, hoành phi câu đối...

    Ngoài ra, còn có các phòng mang chức năng khác như phòng làm việc, phòng ăn lớn của gia đình. Riêng khu bếp được xây 2 gian rộng, biệt lập với khu nhà ở. Theo chia sẻ của cô Thủy, điểm nhấn trong căn biệt thự này chính là 4 cột đá nguyên khối, được chạm khắc tinh xảo có họa tiết “Đào - Cúc - Trúc - Mai” với ý nghĩa mang lại may mắn, thịnh vượng, giàu sang và sự ấm no cho gia đình.

    Cô Thủy còn bật mí, hầu hết nội thất trong căn biệt thự này đều được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hồng Kông (Trung Quốc). Không những vậy, để hoàn thiện công trình, các cụ xưa đã phải gom gỗ quý, chủ yếu là gỗ lim cổ thụ ròng rã nhiều tháng trời.

    Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay căn biệt thự vẫn còn gần như nguyên vẹn, đó là nhờ vào công lao gìn giữ của gia đình cô Thủy. Cô Thủy đưa chúng tôi tới thăm căn phòng mà cụ Vọng đã từng ở, bên trong phòng gồm giường Tây, giường đồng, tủ phấn, bàn đá gần như còn y nguyên.

    Cuộc sống của tiểu thư lá ngọc cành vàng xưa

    Hiện, sức khỏe của bà Mô đã yếu, không còn minh mẫn như trước. Tuy nhiên, thời còn trẻ, bà rất hay nhắc về những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu gắn liền với lịch sử hình thành căn biệt thự này. Cô Thủy kể: “Mẹ tôi bảo, ngày ấy, gia đình nuôi 3 u em (người trông trẻ), 1 lái xe, 1 đầu bếp có thể nấu được nhiều món ăn Âu - Á. Năm nào, cả gia đình cũng đi Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Đồ Sơn (Hải Phòng) nghỉ mát 1 tháng. Ngày ấy, mẹ tôi rất tân thời, đã mặc áo tắm như phụ nữ bây giờ.

    Chính vì gia đình có người hầu kẻ hạ nên mẹ tôi không phải làm bất cứ việc gì. Tuy nhiên, ông bà tôi vẫn yêu cầu mẹ học nữ công gia chánh. Sau này, mẹ thường trổ tài nấu những món ăn truyền thống của người Hà Nội. Năm nào, Tết đến, mẹ tôi cũng tỉa thủy tiên. Đó như một thú vui tao nhã không thể bỏ của bà. Chỉ tiếc, bà có chỉ dạy mà tôi không theo được”.

    Mẹ cô Thủy vẫn thường hay kể, thời con gái khi bước chân ra khỏi cửa nhà là phải mặc áo dài. Tùy nơi đến mà chọn màu phù hợp. Chính vì thế, trong tủ của bà Mô lúc nào cũng có hơn 40 bộ áo dài các kiểu. Đặc biệt, thời ấy, bà Mô đã biết đến trang điểm, sử dụng những loại mỹ phẩm nhập ngoại, chủ yếu là từ Pháp, Anh như phấn má, son môi, kem dưỡng, bút kẻ lông mày...

    “Nếu ngồi nghe mẹ tôi kể về chuyện xưa thì chắc mấy ngày cũng chẳng hết. Mẹ tôi hay kể về ngày bà lên xe hoa cùng bố tôi. Đám cưới được tổ chức khi mẹ tôi vừa tròn 20 tuổi. Hai người nên duyên vợ chồng là do sự mai mối. Ngày ăn hỏi, bà mặc áo dài nhung màu tiết dê, tóc phi dê (tóc uốn hơi xoăn) và đeo trên người các loại trang sức như kiềng, dây chuyền, bông tai, nhẫn, lắc tay và cả nhẫn kim cương.

    Mẹ tôi bảo, đám cưới được tổ chức linh đình trong 3 ngày vì khách khứa quá đông. Đến hôm rước dâu, một đoàn 7 chiếc xe ô tô đỗ ngay trước cửa, người dân xung quanh tò mò chạy ra xem kín cả đường. Đặc biệt, khi nhìn thấy số của hồi môn mẹ tôi mang về nhà chồng ai cũng há hốc miệng. Ngoài những món đồ trang sức đeo trên người, bà còn cầm một hộp chứa đầy trang sức vàng về nhà chồng. Đám cưới sang trọng đó có thợ ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp, đáng tiếc album ảnh cưới của mẹ tôi đã bị thất lạc”, cô Thủy kể lại.

    Bối cảnh của nhiều bộ phim Việt, du khách quốc tế cũng trầm trồ

    Căn biệt thự này không chỉ nằm ở vị trí đắc địa mà còn được đánh giá cao về giá trị lịch sử. Bao năm qua, nó đã thu hút rất đông du khách tìm đến chiêm ngưỡng. Nơi đây cũng từng được chọn làm bối cảnh trong nhiều bộ phim nổi tiếng của Việt Nam.

    Cô Thủy kể: “Bộ phim đầu tiên được quay tại đây là Mùa đông Hà Nội năm 46 của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Về sau, hàng loạt bộ phim như: Hương ngọc lan, Hoa xương rồng, Khép mắt chờ ngày mai, Hai người mẹ, Tuổi thanh xuân... Mẹ tôi là người rất thân thiện, hòa đồng nên rất nhiều đạo diễn, diễn viên sau khi thực hiện xong bộ phim, thi thoảng vẫn quay về thăm bà”.

    Không chỉ có đoàn phim trong nước mà có cả nước ngoài, cô Thủy cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất là một đoàn đến từ Canada. “Trước khi tới nhà mình, đoàn của họ cũng đã khảo sát nhiều ngôi nhà khác trong khu vực phố cổ. Thế nhưng, khi tới đây, họ rất ngạc nhiên và hỏi tại sao ngôi nhà vẫn đẹp và còn giữ được nguyên vẹn như thế? Thậm chí, mẹ tôi còn hỏi họ, có nên sửa lại cho mới không, họ khẳng định rằng căn biệt thự này quá đẹp rồi, không cần phải sửa gì hết, chỉ cần giữ gìn cho đời sau thôi”, cô Thủy cười nói.

    Trải qua nhiều biến động của lịch sử, hiện gia đình cô Thủy chỉ quản lý phần diện tích hơn 200m2 . Phần diện tích này vẫn được gia đình giữ nguyên hiện trạng ban đầu.

    Phong Linh - Hữu Thắng

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (87)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-lo-ve-chu-nhan-va-cuoc-song-trong-can-biet-thu-100-tuoi-cua-thuong-gia-nuc-tieng-ha-thanh-a326183.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan