Theo South China Morning Post, một băng nhóm gồm 3 người cao tuổi ở Nhật Bản, với tổng số tuổi lên đến 227 tuổi, gây xôn xao dư luận sau khi các điều tra viên xử lý hành vi phạm tội của họ đặt cho nhóm này biệt danh “G3S” – từ đồng âm với “ông nội” trong tiếng Nhật.
Cụ thể, 3 cụ ông Hideo Umino (88 tuổi), Hidemi Matsuda (70 tuổi) và Kenichi Watanabe (69 tuổi) gặp nhau trong tù. Nhóm 3 người bị cáo buộc đã lên kế hoạch thực hiện các vụ trộm sau khi được trả tự do.
Bộ ba được cho là đã đột nhập vào một ngôi nhà không có người ở tại Sapporo – thủ phủ của đảo Hokkaido (phía Bắc Nhật Bản) vào tháng 5/2024. Họ bị buộc tội lấy trộm 200 yen (hơn 33.000 đồng) và 3 chai rượu whisky trị giá tổng cộng 10.000 yen (hơn 1,6 triệu đồng).
Tới tháng 6/2024, băng nhóm này lại đột nhập vào một ngôi nhà không có người ở khác trong cùng khu vực, trộm đi 24 món trang sức trị giá 1 triệu yen (hơn 166 triệu đồng).
Theo thông tin từ các nhà điều tra, ông Umino – thành viên lớn tuổi nhất băng nhóm chịu trách nhiệm đột nhập trộm đồ. Trong khi đó, ông Matsuda là người lái xe bỏ trốn, còn ông Watanabe sẽ xử lý số tài sản trộm được.
Hành vi phạm tội của họ bị phanh phui sau khi chủ nhân ngôi nhà thứ hai cảm thấy nghi ngờ và báo cảnh sát. Qua kiểm tra đoạn camera giám sát và phát hiện một số tài sản bị mất của người phụ nữ đã được bán lại, các nhà điều tra nhanh chóng lần ra băng nhóm “G3S”.
Các báo cáo tiết lộ, cả 3 cụ ông đều cần được cảnh sát hỗ trợ khi bị bắt vì quá yếu. Băng nhóm “GS3” khai rằng họ đi trộm cắp để “kiếm sống”. Theo cảnh sát, họ đang điều tra xem liệu băng nhóm này có liên quan đến 10 vụ trộm khác xảy ra ở Sapporo và thành phố Ebetsu lân cận hay không.
Thông tin về vụ bắt giữ 3 cụ ông đã dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. “Họ giao người trẻ nhất đảm nhận công việc dễ dàng nhất”, “Biệt danh G3S có thể không phù hợp nhưng nghe rất ngầu”... là một số bình luận của cư dân mạng.
Theo Cảnh sát Nhật Bản, tỷ lệ phạm tội ở người già tại nước này đang gia tăng trong những năm gần đây. Được biết, tỷ lệ tội phạm do người trên 65 tuổi gây ra tăng từ 2,1% vào năm 1989 lên 22% vào năm 2019.
Bên cạnh đó, cảnh sát ghi nhận tỷ lệ trộm cắp vặt cao hơn ở nhóm tuổi này, cũng như việc có nhiều người tái phạm hơn trong 20 năm qua. Sự cô đơn và nghèo đói được cho là hai nguyên nhân chính phía sau xu hướng này.
Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Vào năm 2023, dữ liệu chính thức cho thấy 29,1% trong số 125 triệu dân của đất nước này ở độ tuổi trên 65 và cứ 10 người thì lại có một người từ 80 tuổi trở lên.