Bị sa vào tay bọn buôn người, các nạn nhân phải sống trong những ngày tủi hổ, ê chề. Quãng thời gian bị đưa vào các động chứa, nhà thổ, nhiều người bị ép tiếp khách hoặc bán sang tay một cách rẻ rúng... Chỉ may mắn nên một số nạn nhân trở về với gia đình và vạch trần bộ mặt thật của các con buôn...
Lộ diện thủ đoạn bọn buôn người
Chỉ trong chưa đầy nửa năm 2018, trên các địa bàn tại Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ mất tích bí ẩn. Không ít trường hợp trong số này được xác định là phụ nữ đã bị các đối tượng buôn người lừa đem qua Trung Quốc rồi bán vào các nhà thổ hoặc bị ép gả cưới. Thủ đoạn của bọn buôn người không mới nhưng lại dễ dàng lừa được các cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin vào các mối tình trên mạng hoặc lừa xin việc với mức lương cao.
Thay vì trực tiếp tìm về các khu vực vùng sâu vùng xa ở Tây Nguyên để dụ dỗ lừa các cô gái trẻ như trước đây thì hiện nay, các đối tượng sử dụng mạng xã hội, Internet để thực hiện hành vi phạm tội. H’H (33 tuổi, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là một cô gái xinh đẹp trong buôn làng. Sau thời gian làm thuê ở các tỉnh miền Nam, H’H về nhà làm những công việc nhẹ nhàng nên có thời gian truy cập mạng xã hội thường xuyên.
Bọn buôn người thường nhắm vào các cô gái trẻ nhẹ dạ cả tin rồi lừa bán qua Trung Quốc. |
Đầu năm 2018, một tài khoản trên mạng xã hội có tên Xuan Tien đã chủ động nhắn tin cho biết anh ta đang cần người làm ở tiệm điện thoại với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Trước những lời hứa về việc nhẹ lương cao, H’H tiếp tục rủ thêm H’D (24 tuổi, ngụ huyện Cư M’gar) đến gặp chủ tài khoản Xuan Tien tại TP. Buôn Ma Thuột. “Gặp chúng em, họ vẽ ra tương lai với thu nhập cao, công việc nhẹ nhàng. Anh nghĩ xem, với viễn cảnh như vậy làm sao bọn em không tin tưởng được” – H’H kể lại
Hai cô gái tin lời hứa của các đối tượng nên khăn gói lên trung tâm TP. Buôn Ma Thuột để ký hợp đồng làm việc với... giám đốc. Đến nơi, chủ tài khoản Xuan Tien giải thích, giám đốc vừa ra Hà Nội, giờ mọi người cần đi máy bay ra thủ đô để ký hợp đồng. Trước khi đi, người này cam kết chi trả toàn bộ tiền ăn ở, vé máy bay cho hai người nên các cô gái càng vững tin. Đặt chân đến Hà Nội, H’H và bạn gái tiếp tục bị đưa đến địa phận tỉnh Sơn La. Đến nơi, đối tượng đi cùng giao họ cho một người phụ nữ tên G. rồi biến mất từ đó. Vào tay bà G., hai cô gái bị ép đưa lên biên giới rồi vượt biên sang Trung Quốc. Nhiều lần trốn chạy nhưng ở nơi rừng rừng sâu nước độc, việc trốn thoát của hai cô gái là điều khó khăn. Rồi cả hai bị bắt lại, bà G. dọa dẫm: “Ở đây toàn người của bọn tao, đa số đều dân nghiện ngập. Nếu muốn chết trong tay tụi nó thì cứ chạy đi”.
H’H kể, những ngày tủi khổ trên đường từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chưa là gì so với các thủ đoạn đánh đập, hành hạ nếu các cô gái có ý định bỏ trốn nơi xứ người. Sau khi được đưa đến TP.Nam Ninh (Trung Quốc), hai cô gái Việt Nam bị nhốt trên tầng phòng và được thiết lập máy quay có người canh giữ 24/24. Bất cứ ý định trốn chạy, trình báo cơ quan chức năng nếu bị phát hiện đều bị bọn buôn người trả thù một cách tàn nhẫn.
Vỡ òa ngày trở về
H’H kể, trong gian phòng chưa đầy 20 mét vuông là nơi các đối tượng buôn người nhốt các cô gái cùng ở Việt Nam. Không liên lạc được với thế giới bên ngoài, tại đây họ lần lượt được xếp loại theo nhan sắc và ngoại hình để tuyển chọn vào nhà thổ hoặc làm vợ lẻ cho những người lớn tuổi.
“Nhiều người cùng hoàn cảnh với bọn em có ý định bỏ trốn nhưng bị bọn chúng bắt được liền tra tấn, bỏ đói. Riêng bọn em không ít lần lén leo cửa trốn ra ngoài tìm đến người dân gần đó nhưng nhiều người không dám giúp đỡ vì sợ gặp rắc rối. Khi bọn buôn người biết ý định trốn chạy của em, bọn chúng liền đốt hết giấy tờ tùy thân, đập phá điện thoại, nhốt riêng em nhiều ngày...” - H’H. nhớ lại.
Trốn chạy không thành, H’H đành giả vờ theo lời bà G. để tìm cơ hội cầu cứu. Quãng thời gian này, cô làm thân với bà G. và xin được dùng điện thoại của mình để nghe nhạc. Bà G. cho rằng điện thoại của cô không có mạng internet cũng không bắt được wifi nên đồng ý.
“Điện thoại em lúc trước em có sử dụng phần mềm tự động truy cập vào các điểm wifi không cần mật khẩu” – H’H kể và cho biết, sau khi vào mạng xã hội, cô bật định vị, chụp lại hình ảnh nơi mình bị nhốt để gửi về nhà cầu cứu.
Trước vài ngày bà G. bán H’H cho một người đàn ông Trung Quốc, phía Công an Việt Nam tìm ra manh mối của hai cô gái nên liên hệ với Công an Trung Quốc phối hợp tìm cách giải cứu nạn nhân.
“Vào cuối tháng 5/2018, sau 15 ngày bị đưa đi và lưu lạc ở xứ người, em và H’D. được công an đưa về Việt Nam lấy lời khai. Dù đã được đưa về nhà an toàn nhưng cho đến bây giờ, em vẫn chưa hết sợ hãi, không dám tiếp xúc với người lạ sau những gì đã xảy ra” – chị H’H tâm sự.
Từ lời khai của các nạn nhân, vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã bắt được 2 nghi can gồm Nguyễn Văn Đông (SN 1993) và Lê Xuân Dũng (SN 1996, cùng trú xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) để điều tra về hành vi mua bán người. Công an xác định, Dũng chính là chủ tài khoản facebook Xuan Tien. Sau khi đăng tải các thông tin tuyển nhân viên để lừa gạt các cô gái cần việc làm, Dũng và Đông dùng nhiều thủ đoạn để đưa nạn nhân ra biên giới giao cho bà G. rồi nhận thù lao. Mỗi lần tìm được người đưa đi, bà G. đều chuyển lộ phí đi đường vào tài khoản của Đông. Đầu năm 2018 đến nay, Dũng và Đông đã lừa H’H. và H’D và một cô gái 19 tuổi tên Nh. (trú huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) giao cho bà G. đưa sang Trung Quốc đến nay chưa rõ tin tức. Riêng người đàn bà tên G. mà các nạn nhân khai được, hiện cơ quan công an đang phối hợp với phía Trung Quốc điều tra, xác minh.