Từ khi biết cô con gái áp út mất tích, bà Phái đã khăn gói tìm con khắp nơi. Manh mối duy nhất để bà tìm đứa con ấy là mụn thịt dư ở tai bên phải.
Đằng đẵng 17 năm trôi đi, nhưng thông tin về con gái vẫn bặt vô âm tín. Khi mọi chuyện tưởng như vô vọng thì người mẹ ấy thấy đứa con tưởng đã chết đã trở về. Thì ra, cách đó hàng nghìn cây số, cô gái bị kẻ xấu bán sang xứ người đã tìm lại được quê hương nhờ mạng xã hội facebook.
Tìm con giữa biển người với chỉ một manh mối
Một ngày giữa năm 2001, vợ chồng bà Nguyễn Thị Phái (SN 1950), trú thôn Yên Xuân, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) tá hỏa phát hiện người con gái áp út Phạm Thị Hằng (SN 1983) mất tích. Luống cuống đi dò hỏi bạn bè của con, gia đình đặt nghi vấn chị Hằng đã trốn đi làm ăn xa.
Họ có căn cứ như vậy bởi trước đó mấy ngày, có nghe con gái đề cập đến chuyện đi làm ăn xa. Nhưng phần vì thấy con còn nhỏ, phần lo sợ gặp chuyện không hay nên vợ chồng bà Phái nhất quyết phản đối. Tưởng con nghe lời, nào ngờ....
Lo lắng, đôi vợ chồng nghèo ấy vội đi tìm khắp nơi. Không những dò hỏi ở các bến xe, nhà ga, họ còn tìm đến nhiều nơi khác nhưng tất cả đều vô vọng. Quá trình tìm kiếm càng gặp khó khăn hơn khi bà Phái không hề có tin tức hay hình ảnh của con. Manh mối duy nhất của người mẹ ấy là cục thịt dư ở tai phải chị Hằng. “Đi đến đâu, tôi cũng chỉ biết hỏi người ta: “Có thấy cô gái nào người thấp nhỏ, có cục thịt thừa ở sau tai không?”, nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu”, bà Phái nhớ lại.
Sau 17 năm bị bán sang xứ người, chị Hằng đã được đoàn tụ cùng gia đình. |
Hành trình tìm kiếm đứa con mất tích khiến cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn hoàn toàn. Không những công việc đồng áng bị ngưng trệ, mà đàn lợn, con gà cũng phải bán non để lấy kinh phí đi lại. Bà Phái lúc đó mới sinh đứa con út chưa đầy 1 năm cũng đành cai sữa sớm để đi tìm Hằng.
Người bố cũng vì thương nhớ con mà đổ bệnh nặng. Chứng bệnh tai biến khiến ông không di chuyển được nhiều. Do vậy, mọi công việc trong nhà đều do một tay bà Phái đảm nhận. Bà Phái kể, trong những ngày tháng cuối đời, nằm trên giường bệnh, lúc nào ông cũng trăn trở về tin tức chị Hằng. “Ông ấy cứ nói với tôi rằng: “Không biết con Hằng còn sống hay đã mất, giờ đang ở đâu. Tôi chỉ muốn được gặp nó một lần trước khi nhắm mắt xuôi tay”. Thế nhưng, ước nguyện đó của ông đã không thực hiện được. Năm 2010, người cha khốn khổ ấy đã ra đi với niềm day dứt trong lòng.
Sau nhiều năm tìm con trong vô vọng, bà Phái đâm ra chán nản, muốn bỏ cuộc. Đang trong lúc chán chường, bà nhận được tin bất ngờ. Đó là giữa năm 2017, một vị cán bộ xã Võ Liệt tìm đến báo tin có một người đàn ông tên Hà, đang sống ở TP Hải Phòng đăng tin tìm người thân cho một cô gái Việt, hiện đang sống ở Trung Quốc. Đoạn thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội face- book nêu rõ địa chỉ cần tìm là xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.
Qua nhiều lần xác minh, người đàn ông đó đã liên hệ được với chính quyền, nơi chị Hằng từng sinh sống. Mừng rỡ, bà Phái liền nhờ người thân tìm cách liên lạc với người đăng tin. Qua nhiều lần liên hệ, bà nắm được thông tin rằng, đứa con mất tích nhiều năm trời của mình hiện đang sống ở Trung Quốc. Không lâu sau, một cuộc trùng phùng đẫm nước mắt đã diễn ra.
Gặp lại người thân nhờ mạng xã hội
Sáng ngày 14/7, người dân xã Võ Liệt xôn xao, ngỡ ngàng khi thấy chị Hằng trở về quê hương sau 17 năm biệt tích. Hôm đó, rất đông người dân đã ra đầu làng để đón người phụ nữ tưởng đã mất, nay trở về. Vừa thấy bóng dáng chị Hằng, nhiều người ùa ra, chạy đến ôm hôn chị. Hôm đó, người vui mừng nhất là bà Phái.
Dù một chân đau do biến chứng tai biến nhưng bà vẫn cố đến bên con thật nhanh, đưa bàn tay nhăn nheo sờ nắn đứa con gái sau nhiều năm xa cách. “Mẹ con gặp nhau mà chỉ biết khóc, niềm vui xen lẫn nước mắt”, bà Phái đã khóc khi nhớ lại ngày đoàn tụ.
Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị Hằng. |
Lại nói về chị Hằng, sau hơn 6000 ngày xa cách, ngày trở về, chị thấy làng quê đã thay da đổi thịt. Đường sá được đổ nhựa bê tông, nhiều ngôi nhà mới, khang trang mọc lên, riêng căn nhà cấp bốn của gia đình chị vẫn như xưa. Ngay hôm đó, chị đã được mẹ dẫn đến bàn thờ thắp hương cho bố. “Nhìn di ảnh bố, tôi chỉ biết khóc.
Ngày ra đi, bố tôi vẫn khỏe mạnh, nhưng ngày về cha con đã cách biệt. Tôi thật có lỗi khi đã không ở bên ông những ngày cuối đời. Cũng vì tôi mà đến lúc ra đi ông cũng không yên lòng”, chị trách cứ bản thân.
Để mừng ngày đứa con trở về sau nhiều năm biệt tích, hôm đó bà Phái đã làm vài chục mâm cơm để mời anh em họ hàng, bà con chòm xóm. Ai cũng chúc mừng gia đình nhân ngày trọng đại. Ngồi bên mẹ, đứa con 35 tuổi chỉ cười vẻ ngây ngô. Mặc dù vẫn nhớ hết người thân và bà con chòm xóm, nhưng do đã đi quá lâu nên việc diễn đạt bằng ngôn ngữ tiếng Việt của chị gặp khó khăn.
Sau bữa cơm trùng phùng, chị Hằng đã kể cho mọi người nghe những ngày tháng sống đau khổ ở xứ người. Theo lời chị kể, vì tin lời một số người dụ dỗ nên năm đó đã trốn đi làm ăn. Trên hành trình rời làng quê nghèo năm ấy còn có người bạn cùng xóm. Cả hai sau khi gặp nhau ở chỗ hẹn đã cùng bắt xe ra Bắc.
Lúc vừa xuống bến xe, 2 thiếu nữ thấy một người đàn ông đi xe ôm liền đến nhờ tìm việc. Sau khi đảo mắt quan sát, người này đã chở hai cô gái đến một quán ăn gần bến xe. Tại đây, một người đàn bà đã nhận Hằng cùng bạn vào làm nhiệm vụ rửa bát và chạy việc trong quán.
Nhưng chỉ vài ngày sau, vào một buổi sáng Hằng thức dậy thì không thấy bóng dáng người bạn đi cùng. Gặng hỏi chủ quán, chị mới biết cô bạn cùng quê đã lên Lạng Sơn tìm công việc lương cao hơn. Sau đó, Hằng được bà chủ dò hỏi có muốn theo chân bạn không. Chẳng chút đắn đo, cô gái trẻ liền gật đầu đồng ý mà không hề biết rằng mình đã rơi vào bẫy của những kẻ buôn người. Ngay hôm đó, Hằng lập tức được đưa lên cửa khẩu và sang Trung Quốc. Riêng người bạn gái cùng quê cũng bị bán và cho đến nay Hằng cũng không rõ tung tích chị này.
Những ngày tháng cơ cực nơi xứ người
Kể lại những ngày đầu đặt chân sang xứ người, chị Hằng vẫn chưa hết rùng mình. Chị kể, trước đó trong quá trình di chuyển sang Trung Quốc, chị vẫn chưa hiểu chuyện gì. Chỉ đến khi bị đưa vào căn nhà rộng với nhiều phụ nữ Việt Nam thì mới biết mình đã bị bán. Dù rất hoang mang, lo sợ nhưng chị không dám trốn chạy. Sau khi đặt chân sang Trung Quốc, một người đàn ông chừng 40 tuổi đến xem mặt và đồng ý mua chị Phạm Thị Hằng với giá 5 vạn Nhân dân tệ. Thỏa thuận xong, người này đưa chị Hằng trở về nhà tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Chị không biết nơi đó cách biên giới bao nhiêu cây số, chỉ biết đi rất xa với mấy lần đổi xe khách. Đến nơi, chị hoảng hốt chứng kiến cảnh tượng tồi tàn, trong căn nhà nhỏ lụp sụp, một người đàn ông khắc khổ và người phụ nữ ngồi xe lăn đang đứng chờ. Sau đó, chị mới biết đó là bố mẹ chồng mình.
Chồng chị, dù hiền lành nhưng do tính cách không được nhanh nhẹn, cù lần nên không lấy được vợ. Cuối cùng, anh này phải đi vay tiền để mua vợ. Chị tâm sự, thời gian đầu chỉ biết khóc, luôn hối hận và tự trách mình. Đã nhiều lần chị muốn quên sinh nhưng vì nhà chồng quản lý chặt nên không thực hiện được.
Vì gia đình chồng nghèo đói nên chỉ mấy ngày sau khi về làm dâu chị đã phải ra đồng làm việc. Dù cố gắng lao động nhưng cuộc sống vẫn không đủ ăn. Nhiều hôm họ phải ăn đậu để sống qua ngày. Những lúc như vậy, chị Hằng chỉ ao ước được ăn bát cơm trắng ở quê nhà. Cuộc sống khắc nghiệt cùng những khó khăn trong gia đình nhà chồng càng khiến chị luôn nung nấu ý định trở về quê hương. Để thực hiện ý định đó, chị bắt đầu học tiếng Trung để giao tiếp và gom góp tiền xin chồng mua chiếc điện thoại.
Có được phương tiện liên lạc, giữa năm 2017, chị Hằng lên mạng xã hội kêu cứu. Mấy tháng sau, chị nhận được liên lạc từ một người đàn ông tên Hà (40 tuổi, quê TP Hải Phòng). Anh Hà vốn thường xuyên qua lại giữa hai nước để làm ăn nên rành ngôn ngữ và có nhiều mối quan hệ. Sau khi nắm được thông tin có người cầu cứu đã không ngần ngại giúp đỡ.
Khi đã được người đồng hương vạch rõ đường đi, chị Hằng vờ xin phép gia đình nhà chồng cho được về quê ít ngày để thăm mẹ ốm nặng. Sau đó, chị lập tức ra bắt xe như đã được hướng dẫn từ trước. Và một cuộc trùng phùng đã diễn ra....
Khi được hỏi về dự định của tương lai, chị Hằng lắc đầu nói chưa nghĩ đến, chỉ có điều có thể khẳng định là sẽ không bao giờ quay lại nhà chồng. “Tôi sẽ ở lại quê hương để phụng dưỡng mẹ già. Vì lo lắng cho tôi mà cuộc đời mẹ chịu nhiều khổ cực”, lời chị Hằng.
Ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết, sau khi trở về quê, chị Phạm Thị Hằng đã lên chính quyền trình diện và xin được khôi phục các giấy tờ. “Chúng tôi đã làm các thủ tục để chị Hằng sớm có đầy đủ giấy tờ. Chính quyền cũng đã động viên để chị sớm hòa nhập với xã hội”, ông Lĩnh nói. |