Ngày 24/4, đám đông sinh viên biểu tình đã xô đẩy hàng rào bảo vệ quanh nhà ông Mahinda Rajapaksa, em trai Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Cảnh sát trước đó đã dựng rào chắn tại nhiều con đường trong thành phố để ngăn các nhóm biểu tình nhập lại với nhau.
"Các ông có thể chặn đường, nhưng không thể ngăn cản chúng tôi đấu tranh tới khi nào toàn bộ chính phủ từ chức", một thủ lĩnh sinh viên giấu tên nói.
Một số người mang theo biểu ngữ "Hãy từ chức đi Gota", biệt danh của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, em trai Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. Đối mặt với các sinh viên biểu tình là cảnh sát chống bạo động cầm lá chắn, ngăn cản đám đông xâm nhập khu nhà ở của Tổng hống.
Cảnh sát cho hay ông Mahinda không ở nhà thời điểm đó và đám đông đã giải tán một cách hòa bình.
Các cuộc biểu tình khác cũng nổ ra trên khắp Sri Lanka, trong đó đám đông cố xông vào nhà và văn phòng của các quan chức chính phủ. Trước đó, một người đàn ông đã bị bắn tử vong khi cảnh sát nổ súng phong tỏa đường ở thị trấn trung tâm Rambukkana. Đây là trường hợp thiệt mạng đầu tiên kể từ khi biểu tình ở Sri Lanka bắt đầu nổ ra từ tháng trước.
Hiện, Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Quốc gia này không thể chi trả các loại hàng hoá nhập khẩu cơ bản, khiến gạo, sữa bột, đường, bột mì và thuốc thiếu hụt.
Tình trạng lạm phát khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Tình trạng mất điện kéo dài triền miên, mỗi sáng đều có hàng người rồng rắn xếp hàng trước các trạm xăng dầu.
Để nhanh chóng giải quyết tình trạng khan hiếm nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, giới chức Sri Lanka đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc thảo luận với đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một chương trình cho vay khẩn cấp.
Chính phủ Sri Lanka đã quyết định đình chỉ việc trả một số khoản nợ nước ngoài trong khi chờ một chương trình tái cơ cấu nợ có trật tự và được sự đồng thuận của IMF.
Mộc Miên (T/h)