Ngày 12/4 (giờ địa phương), Sri Lanka, vốn đang bị khủng hoảng, đã tuyên bố vỡ nợ. Theo đó, giới chức Sri Lankda đã gọi động thái này là "biện pháp cuối cùng" sau khi cạn kiệt ngoại hối để nhập khẩu hàng hóa đang rất cần.
Quốc đảo này đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập, với tình trạng mất điện thường xuyên và thiếu lương thực, nhiên liệu trầm trọng.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Tài chính Sri Lanka nói rằng các chủ nợ, bao gồm cả các chính phủ nước ngoài, được tự do tận dụng bất kỳ khoản thanh toán lãi suất nào đến hạn từ hôm 12/4 hoặc chọn hoàn vốn bằng đồng rupee Sri Lanka.
Tuyên bố nêu: "Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp này như một biện pháp cuối cùng để ngăn chặn tình hình tài chính của đất nước xấu đi".
Tuyên bố nói thêm rằng tuyên bố vỡ nợ trước mắt là để đảm bảo "đối xử công bằng và bình đẳng đối với tất cả các chủ nợ" trước chương trình phục hồi do Quỹ Tiền tệ Quốc tế hỗ trợ cho quốc gia Nam Á.
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã gây ra tình trạng nghèo đói trên diện rộng đối với 22 triệu người Sri Lanka, dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối chính phủ kéo dài trong nhiều tuần qua.
Các tổ chức xếp hạng quốc tế đã hạ hạng Sri Lanka vào năm ngoái, ngăn chặn việc nước này tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để huy động các khoản vay cần thiết tài trợ cho nhập khẩu.
Sri Lanka đã cố gắng tìm cách được xoá nợ từ Ấn Độ và Trung Quốc nhưng cả hai quốc gia này lại đưa ra nhiều hạn mức tín dụng hơn để mua hàng hóa từ họ.
Minh Hạnh (Theo NDTV)