“Về miền Quan họ - 2023” là một sự kiện lớn với 30 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc diễn ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào tối 25/2 nhằm kết nối những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc đại diện cho các vùng miền trên cả nước về hội tụ và toả sáng trên vùng đất Bắc Ninh ngàn năm văn hiến.
Tới dự chương trình có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại biểu các tỉnh thành phố, đại biểu Đại sứ quán các quốc gia, vùng lãnh thổ và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định: Bắc Ninh - Kinh Bắc, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, nơi phát tích của Vương triều Lý - triều đại khai mở, phát triển nền văn minh Đại Việt. Mảnh đất này là tổ đình của Phật giáo, trung tâm Nho học đầu tiên của cả nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã hun đúc, kết tinh và hiện hữu trên vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc một hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc
"Bắc Ninh cũng được mệnh danh là xứ sở của các lễ hội dân gian truyền thống, cùng những phong tục, tập quán tốt đẹp. Các hình thức diễn xướng dân gian mang sắc thái riêng, độc đáo, tiêu biểu là Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay, qua hơn 10 năm từ khi được ghi danh, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được đầu tư, bảo tồn, lan tỏa mạnh mẽ trong nước và quốc tế. Để Quan họ có được sức sống, sự phát triển thăng hoa, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch, chương trình hành động thiết thực, quan tâm đầu tư toàn diện và đúng hướng. Tỉnh sớm có chính sách đãi ngộ cho những nghệ nhân Quan họ. Họ là những báu vật sống, đang hằng ngày thực hành và trao truyền những di sản mà cha ông đã dày công tạo dựng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ trong xã hội đương đại, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch”, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định.
Chương trình gồm 3 phần: Khai từ, nghi lễ và chương trình nghệ thuật. Phần Khai từ có chủ đề “Khách đến chơi nhà” giới thiệu các địa phương ở Việt Nam có Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh hội tụ tại Bắc Ninh.
Phần lễ, Lễ đón nhận Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 3 hiện vật của tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt 11, năm 2022
Tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 3 hiện vật của tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt 11, năm 2022 cho tỉnh Bắc Ninh. Các bảo vật gồm: Bia đá chùa Tĩnh Lự, niên đại năm Mậu Tý (1648), hiện lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình. Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm, niên đại năm Kỷ Tỵ (1449), hiện được thờ tại chùa Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ. Thạp đồng Văn hoá Đông Sơn, niên đại cách ngày nay 2200 - 2300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn.
Ngay sau phần lễ, khán giả được thưởng thức chương trình nghệ thuật "Miền di sản - Tinh hoa và bản sắc" gồm 3 chương: Không gian văn hóa Quan họ; Bốn phương hội tụ và Bắc Ninh tỏa sáng miền văn hiến, với sự tham gia của gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên đến từ các nhà hát, đoàn nghệ thuật của Trung ương và Bắc Ninh. Chương trình nghệ thuật giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về những giá trị tinh hoa, độc đáo, đặc sắc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng cũng như các loại hình di sản văn hoá phi vật thể của các vùng miền trong cả nước đã được UNESCO ghi danh; góp phần tạo thế và lực đảm bảo xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Thông qua Festival “Về miền Quan họ - 2023”, Bắc Ninh mong muốn đưa sự kiện này thành hoạt động văn hóa, du lịch quy mô lớn, hướng tới xây dựng sản phẩm, thương hiệu văn hóa, du lịch Bắc Ninh trên nền tảng các giá trị văn hóa của dân tộc. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước. Tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó và hợp tác phát triển.
Từ ngày 24 – 28/2, tại Công viên Hữu nghị quốc tế (TP. Bắc Ninh) diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu “Bắc Ninh – Điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, ẩm thực và làng nghề truyền thống”, sản phẩm phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh. Trong các ngày 25 và 26/2, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh mở cửa trưng bày "Di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Ninh"; Triển lãm ảnh "Bản sắc văn hóa Bắc Ninh"; trình diễn Quan họ và nghệ thuật Thư pháp ngày xuân…
Tại Khu Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (huyện Thuận Thành), từ ngày 24 - 26/2, Ban Quản lý di tích tỉnh mở cửa đón khách tham quan và tổ chức phong phú hoạt động giới thiệu, trình diễn nghề làm tranh Đông Hồ. Tái hiện chợ tranh truyền thống; trải nghiệm nặn phỗng đất; thưởng thức và mua sắm các đặc sản ẩm thực và làng nghề thủ công của Bắc Ninh như: Nem Bùi, tỏi An Thịnh, tương Đình Tổ, gốm Phù Lãng xem biểu diễn múa rối nước Đồng Ngư; diễn xướng Dân ca Quan họ; trình diễn nghệ thuật hát Trống quân và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn khác.
Tại các làng Quan họ gốc tổ chức canh hát truyền thống trong không gian Nhà chứa Quan họ hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân và du khách nhưng trải nghiệm thú vị để hiểu hơn về nét văn hoá Quan họ của người Bắc Ninh.
Thông qua Festival “Về miền Quan họ 2023”, kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục khẳng định thực hiện tốt cam kết với UNESCO về trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Quan họ Bắc Ninh và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các vùng miền trong cả nước được UNESCO ghi danh; đón nhận và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, các bảo vật quốc gia.
Đồng thời, tỉnh mong muốn đưa sự kiện này thành hoạt động văn hóa, du lịch quy mô lớn, có tính chất thường niên, hướng tới xây dựng một sản phẩm văn hóa, thương hiệu văn hóa, du lịch Bắc Ninh trên nền tảng các giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó và hợp tác phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và nhân dân trong tỉnh.
Hoài Thu