Một trong số đó là Bản sắc lệnh 05-SL nêu rõ thiết kế của quốc kỳ có hình chữ nhật, bề rộng bằng hai phần ba bề dài với nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh màu vàng tươi; kích thước, cách đặt sao được quy định như trong mẫu của sắc lệnh.
Tin từ Vietnamnet, ngày 22/12/2016, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận Tập 118 sắc lệnh là bảo vật quốc gia; trong đó có 87 sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, 25 sắc lệnh do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký, 6 sắc lệnh có bút tích sửa chữa và đánh máy của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp, 43 sắc lệnh được đóng dấu đỏ.
Trong đó, Bản sắc lệnh số 05-SL về việc bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định quốc kỳ Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời dân chủ cộng hòa ký ngày 5/9/1945. Bản sắc lệnh nêu rõ thiết kế của quốc kỳ. Quốc kỳ có hình chữ nhật, bề rộng bằng hai phần ba bề dài với nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh màu vàng tươi. Kích thước, cách đặt sao được quy định như trong mẫu của sắc lệnh.
Bản sắc lệnh số 05-SL về việc bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định quốc kỳ Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet |
Tin từ VTV, Bản sắc lệnh số 05-SL cùng 117 Bản sắc lệnh còn lại đều là những sắc lệnh quan trọng về các chính sách trên mọi lĩnh vực để củng cố và phát triển một nhà nước vừa giành được chính quyền.
Các sắc lệnh nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và "kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ", quản lý xã hội theo phương châm "kháng chiến kiến quốc".
Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, từ nay, đối với tất cả các tư liệu quý giá, Cục lưu trữ sẽ trưng bày thường xuyên hơn, nhắm đến các đối tượng đa dạng hơn chứ không chỉ dừng lại ở các nhà nghiên cứu, các nhà lịch sử như trước đây, mà còn hướng đến cả nhóm đối tượng học sinh, sinh viên để giúp các em nghiên cứu lịch sử.
Tin từ Trang điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố Hà Nội, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã làm lễ ra mắt quốc dân tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Quốc kỳ Việt Nam. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. Chính phủ đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách do Chủ tịch nêu ra là:
1- Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo.
2- Mở chiến dịch chống nạn mù chữ.
3- Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ..
4- Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư tật xấu của chế độ thực dân để lại.
5- Bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.
6- Ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.
Ngay sau đó, một loạt sắc lệnh thể hiện rõ nét những bước đi sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ thể hiện 6 mục tiêu này.
Ngày 4/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam hình chữ nhật, bề ngang bằng hai phần ba bề dài, nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh màu vàng tươi. Kèm theo đó là bản phụ định về kích thước cờ, mẫu sao, cách đặt sao.
Cùng ngày, Chính phủ ban hành Sắc lệnh tổ chức Quỹ Độc lập và phát động “Tuần lễ vàng” (17 đến 24/9/1945), đã quyên góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng cho ngân quỹ quốc gia.
Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ trong cả nước.
Ngày 8/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội).
Ngày 10/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL cử ông Vĩnh Thụy (Bảo Đại) làm Cố vấn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 20/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 34-SL thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (gồm 7 người).
Ngày 22/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh bãi bỏ thuế cho các môn bài có mức dưới 50 đồng, bãi bỏ thuế chợ, thuế xe đạp, thuế thổ trạch ở nông thôn.
Ngày 26/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 39-SL lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử (gồm 9 người). Sau đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 51-SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày 23/12/1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc.
Ngày 20/10/1945, Chính phủ ra Thông tư giảm tô 25% so với mức địa tô trước Cách mạng .
Ngày 26/10/1945, Chính phủ ra Nghị định giảm thuế ruộng 20% và miễn thuế hoàn toàn cho những vùng bị ngập lụt.
Ngày 8/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân chống nạn đói, một trong những tai họa lớn và cấp bách. Trước đó, cuối tháng 9, Chủ tịch kêu gọi mọi người nhường cơm xẻ áo và Người “xung phong làm trước, cứ mười ngày nhịn ăn một bữa đem gạo để cứu dân nghèo”. Toàn dân ta hết lòng hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất do Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Nạn đói đã thu hẹp dần và cuối cùng bị dập tắt.
Ngày 22/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63-SL về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp. Theo Sắc lệnh trên, chính quyền ở mỗi địa phương sẽ có 2 cơ quan: thay mặt cho dân là Hội đồng nhân dân do phổ thông đầu phiếu bầu ra, vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ là Ủy ban hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra.
Sau khi có Sắc lệnh số 63-SL, ở Bắc Bộ, trong số 227 huyện và thị xã, có 128 huyện và thị xã đã bầu được Ủy ban hành chính chính thức. ở Trung Bộ, trừ các tỉnh trực tiếp kháng chiến, tất cả các tỉnh còn lại đều đã có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính chính thức. ở Nam Bộ, do hoàn cảnh chiến tranh bùng nổ sớm, sau một thời gian phân tán, Ủy ban nhân dân lâm thời khắp nơi lần lượt được tập trung và hoạt động trở lại (sau đó đổi thành Ủy ban kháng chiến lâm thời).
Ngày 1/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70-SL cử Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến làm Đặc phái viên của Chính phủ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Ngày 2/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 71 và 72-SL về bổ sung thể lệ Tổng tuyển cử. Tiếp đó, ngày 18-12-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 76-SL hoãn ngày Tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27/12/1945.
Ngày 21/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 77-SL về việc thành lập thành phố trực thuộc Chính phủ Trung ương, hoặc Kỳ, thị xã thuộc Kỳ hoặc tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc của Trung ương Đảng, ngày 31/12/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc của Chính phủ. Ủy ban này gồm 41 thành viên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết đất nước về mặt kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hoá và nghiên cứu những dự án kiến thiết khác…
Như vậy có thể thấy, ngay sau ngày Độc lập, các thiết chế của nhà nước được ban hành dần đủ và đặc biệt nhất, những chủ trương, chính sách lo cho dân đã được chú trọng. Từ việc chống nạn đói, chống mù chữ, bãi bỏ những thói hư tật xấu, bác bỏ sưu cao thuế nặng… thể hiện rõ nét bản chất “vì dân, vì nước” của nhà nước ta.
(Tổng hợp)