+Aa-
    Zalo

    Người phụ nữ kéo quốc kỳ ngày 2/9/1945 và những kỷ niệm khó phai

    • DSPL

    (ĐS&PL) - GS. Lê Thi - từng được biết đến là một trong hai nhân vật được vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng tại Lễ Tuyên ngôn độc lập cách đây hơn 70 năm.

    Hiện đã ngoài 90 tuổi, sức khoẻ giảm sút, chân tay run, đi lại khó khăn nhưng khi nhắc về những kỷ niệm trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình, đôi mắt đã nhuốm màu thời gian của GS. Lê Thi - từng được biết đến là một trong hai nhân vật được vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng tại Lễ Tuyên ngôn độc lập cách đây hơn 70 năm lại ánh lên lấp lánh. Và ký ức của mấy chục năm về trước lại hiện về lung linh trong tâm trí.

    [presscloud]217[/presscloud]

    Kéo quốc kỳ - Giây phút thiêng liêng trong đời

    GS. Lê Thi tên thật là Dương Thị Hoa (sinh năm 1926), quê gốc ở Hưng Yên nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình trí thức có 8 anh chị em ở địa chỉ 98 Hàng Bông. Bà nguyên là Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Giám đốc Trung tâm về Phụ nữ và Gia đình (nay là Viện nghiên cứu Gia đình và Giới). Bà là con gái của liệt sỹ Dương Quảng Hàm, một nhà giáo nổi tiếng, từng là Hiệu trưởng trường Bưởi xưa. Sinh thời, nhà giáo Dương Quảng Hàm luôn muốn con gái nối nghiệp cha, trở thành giáo viên. Bà Thi cũng đã từng hứa với cha sẽ cố gắng học hành để thỏa tâm nguyện của đấng sinh thành.

    GS. Lê Thi - người từng có vinh dự kéo lá cờ tổ quốc ngày 2/9/1945

    Đầu tháng 8/1945, bà chính thức tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm cán bộ Hội phụ nữ Hoàn Kiếm; đảm nhận nhiệm vụ vận động phụ nữ góp tiền, của để gửi cho cách mạng và tham gia lễ mít tinh ủng hộ Việt Minh. Và đến ngày 19/8/1945, bà cũng góp mặt trong hàng vạn người dân Thủ tham gia giành chính quyền tại Hà Nội.

    Trước 1 tuần diễn ra buổi Lễ Tuyên bố độc lập vào ngày 02/9, bà được phân công nhận nhiệm vụ vận động, tuyên truyền hội phụ nữ, các gia đình trong khu phố Hàng Bông tham gia buổi lễ. Và bà may mắn là một trong hai người được chọn đảm nhận nhiệm vụ kéo lá quốc kỳ khi bài Tiến quân ca cất lên.

    "Khi Quốc ca vang lên, lá cờ Tổ quốc cũng được kéo lên trước hàng vạn người có mặt tại Quảng trường. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay tung bay phấp phới trên đỉnh cột cờ, lúc đó nước mắt tôi bỗng ứa ra vì xúc động. Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc khi Hồ Chủ tịch hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Và phía dưới vang lên đồng thanh: “Rõ!…”. Rồi khi Bác nói: “Chúng ta thề chết để bảo vệ nền độc lập dân tộc!”, phía bên dưới cũng hô theo: “Thề chết, thề chết!…”. Giây phút đó thiêng liêng và ấm áp vô cùng" - Bà Thi nhớ lại.

    GS. Lê Thi nguyên là Viện trưởng Viện Triết học.

    Từ công tác dân vận cho đến “địch vận”

    Nhiệm vụ chính của bà là các công tác hậu phương, tuyên truyền, dân vận. Bà đi tất cả các ụ chiến đấu thu thập tin tức chiến đấu của anh em rồi về báo cáo, đưa tin cho tờ báo Chiến Thắng. Sau đó, bà và các chị em trong đội lại tiếp tục mang báo đến đọc cho anh em đang chiến đấu biết thêm thông tin.Sau Lễ tuyên bố độc lập, Thủ đô Hà Nội tiếp tục bị Thực dân Pháp chiếm đóng. Khi ấy, bà tham gia Trung đoàn Thủ đô, làm đội trưởng đội Tuyên truyền gồm 4 người của Trung đoàn, từng chiến đấu 60 ngày đêm để bảo vệ Hà Nội.

    Theo chia sẻ của bà Thi, một trong những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời cách mạng của bà là một lần tham gia “địch vận” trên phố Hàng Gai. Thời điểm đó, quân Pháp và quân Trung đoàn Thủ đô giữ thế giằng co ở hai bên phố. Bà có nhiệm vụ hỗ trợ nhằm giữ chân quân Pháp không để chúng tràn sang. Đứng ở ụ của mình, mặc dù thấy bên kia quân Pháp rất đông, tuy nhiên bà vẫn giữ bình tĩnh và sử dụng khả năng tiếng Pháp thuần thục của mình để giao tiếp hòng đánh lạc hướng.

    Quyển sổ ghi chép của Gs. Lê Thi đầy ắp những kỷ niệm


    "Tôi nói câu chào các ông bằng tiếng Pháp, bên kia họ ngạc nhiên lắm, bảo tôi ra nói chuyện. Ban đầu cũng có chút hơi run nhưng mà vẫn quyết định vẫn bước ra. Lính Pháp hỏi tôi cũng đến đây chiến đấu à? Tôi bảo tôi là học sinh đi học, các ông đánh nhau làm chúng tôi phải nghỉ. Nghe vậy, họ bảo, đấy là tại Việt Minh đánh trước.

    Lúc đó, do đã được dặn trước là không gây tranh cãi nên tôi thay đổi đề tài, nói những chuyện vui về nước Pháp. Sau một hồi chuyện trò, tôi hát tặng lính Pháp một bài hát với tựa đề được dịch sang tiếng Việt là "Nếu anh trở về" và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao" - Bà Thi nhớ lại./.

    Thanh Phong - Công Minh


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-phu-nu-keo-quoc-ky-ngay-291945-va-nhung-ky-niem-kho-phai-a200583.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan