Thủ đô Manila của Philippines rơi vào tình trạng thiếu nước sạch tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, khiến sinh hoạt của hàng chục triệu người bị ảnh hưởng.
Vòi nước trong nhà thường khô khốc từ 4-20 giờ mỗi ngày khiến một nửa cư dân của thủ đô Philippines, khoảng 12 triệu người lâm vào khủng hoảng do tình trạng khô hạn thiếu mưa và cơ sở hạ tầng yếu.
Cư dân Manila xếp hàng dài chờ lấy nước được phân phối từ xe bồn và xe cứu hỏa ngày 15/3/2019 - Ảnh: Getty. |
Một cư dân ở đây nói khi đang đứng xếp hàng lấy nước: "Tôi đã học được cách tắm chỉ bằng bảy gáo nước. Tôi thậm chí còn tiết kiệm số nước tắm thải ra đó để xả bồn cầu."
Tình trạng thiếu nước đã bắt đầu xảy ra vào cuối tuần trước, khi một số khu vực dân cư ở phía đông Manila bị cắt nguồn cung nước hoàn toàn.
Tuy nhiên, Công ty Nước sạch Manila, một trong hai nhà cung cấp của thủ đô, cho biết họ sẽ sử dụng các đường ống trải khắp thành phố để chia sẻ tình trạng này, phân phối nước đồng đều hơn. Và thế là mọi thứ có thể đựng trong nhà được các gia đình tận dụng để chứa nước. Mỗi ngày, họ mất vài giờ để xếp hàng chờ xe tải chứa nước.
Ít nhất có 5 bệnh viện công ở thủ đô đã bắt đầu phải dùng xe chở nước cung ứng do tình trạng thiếu nước trong khi họ không thể hạn chế người bệnh nhập viện.
Ông Dittie Galang, quản lý truyền thông của công ty Manila Water nói: "Đây là điều tồi tệ nhất mà chúng tôi đã trải qua. Năm ngoái tình trạng này cũng đã suýt xảy ra nhưng may mà có những cơn mưa lớn do bão mang đến giải nguy".
Sự gián đoạn cung cấp nước này có thể sẽ kéo dài cho đến tháng 7, khi gió mùa mang những cơn mưa tràn về và bổ sung nước cho các hồ chứa trong khu vực, hiện đang ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua.
Là đất nước nổi tiếng vì luôn bị lũ lụt do mưa bão thường xuyên, trớ trêu thay, Philippines lại đang phải trải qua một đợt khô hạn dẫn đến nguồn dự trữ nước bị cạn kiệt nghiêm trọng.
Hơn thế nữa, hệ thống đường ống cung cấp nước cũ nát của Manila đã không theo kịp sự phát triển, khi dân số đã tăng gấp đôi kể từ năm 1985.
Chính phủ thừa nhận rằng việc tăng nhu cầu về nước đã được dự báo từ lâu nhưng họ không giải quyết được do sự chậm trễ trong các dự án mở rộng công suất.
"Từ lâu rồi, chúng tôi đã cần có một nguồn cung nước thay thế" - Ông Patrick Ty, giám đốc hệ thống cung và thoát nước Thành phố, nói với đài truyền hình ABS-CBN.
Một trong số các dự án chính để giải quyết tình trạng thiếu nước này là xây dựng đập Kaliwa trị giá 355 triệu USD. Tuy nhiên nó đã phải sự kháng cự của cư dân bản địa và các lãnh đạo giáo hội tôn giáo do lo sợ những hậu quả không hay xảy ra cho cộng đồng vì đây là dự án do Trung Quốc đầu tư.
Minh Minh(Theo Asiaone)