Thanh niên Cà Mâu Lâm ở Ninh Thuận bộc bạch: “Trước đây khan hiếm nước, mỗi lần lên rẫy, nhiều thanh niên thường rủ nhau ở cả tuần để uống rượu, khi nào hết rượu mới về nhà”.
Cũng theo anh Lâm, giờ thì sáng đi, tối về. Nhờ có nước sạch, mọi sinh hoạt cá nhân cũng như sinh hoạt gia đình rất thoải mái. Nhiều thanh niên không còn tụ tập uống rượu hằng ngày như trước nữa mà thường khuyên bảo nhau hăng say lao động sản xuất để lập nghiệp, xây dựng đời sống bản thân tốt hơn. Đồng bào rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo đời sống cho bà con”.
Từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc đưa nước sạch về vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn đã hoàn thành và đưa vào hoạt động hai nhà máy xử lý, cung cấp nước sạch phục vụ cho đồng bào Ra Glai nơi đây.
Trước đây, cứ lên rẫy vì không có nước nên trai làng ở lại uống rượu. |
Ở xã Ma Nới có sáu thôn, gồm: Tà Nôi, Gia Hoa, Do, Ú, Gia Rót và Hà Dài với 1.035 hộ/ 4.395 người. Phó Chủ tịch xã Ma Nới, ông Ma Nhông Nhíp cho biết, nhiều năm trước, nguồn nước sinh hoạt của đồng bào Ra Glai nơi đây chủ yếu là dựa vào nước mưa mà bà con dự trữ và nước lấy từ các con suối trên địa bàn xã. Từ năm 2015 đến nay, Nhà nước đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng hai nhà máy xử lý, cung cấp nước sạch cũng như lắp đặt đường ống dẫn nước phục vụ cho người dân các thôn: Gia Hoa, Do, Ú, Gia Rót và Hà Dài, nên bà con vui mừng lắm.
Tại thôn Gia Hoa, ngoài 81 hộ nghèo được hỗ trợ lắp đặt miễn phí đường ống dẫn nước vào tận nhà, nhiều hộ khác không thuộc diện được hỗ trợ cũng đã tự bỏ tiền để lắp đặt hệ thống nước sạch để sử dụng nguồn nước từ hai nhà máy xử lý nước sạch xây dựng tại thôn.
Trưởng thôn Do, Ma Số Nga khoe: “Từ ngày có nước sạch, nhà nào cũng vui. Nhờ đó, phong trào sinh hoạt thanh niên ngày càng khởi sắc. Ngày nghỉ cuối tuần, thanh niên thường tề tựu về nhà mình vừa đàn hát, vừa trao đổi kinh nghiệm sản xuất, bàn cách giúp nhau tự thân lập nghiệp… tình trạng thanh niên tụ tập uống rượu giảm rất nhiều”.
Phó Chủ tịch xã Ma Nhông Nhíp cho biết thêm, riêng thôn Tà Nôi, có 167 hộ/668 khẩu chưa có nước sạch, do thôn ở xa trung tâm xã và địa hình đi lại rất hiểm trở, xã cũng đã kiến nghị UBND huyện tiếp tục khảo sát để xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ bà con trong thời gian tới.
Nước sạch về làng bản. Ảnh: Nhân dân |
Vậy mà trước đó, giữa tháng 9, Ninh Thuận đã rất khó khăn về nguồn nước sạch. Chưa có năm nào, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS- VSMTNT) Ninh Thuận lại gặp khó khăn về nguồn nước như năm nay.
Dù đã giữa tháng 9 nhưng nguồn nước cấp cho các hệ thống cấp nước sinh hoạt vẫn cạn kiệt. Song nhờ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, đặc biệt là đấu nối các hệ thống cấp nước với nhau nên tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt đã giảm.
Hồ thủy lợi Tân Giang nằm trên địa bàn huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) có dung tích thiết kế 13,4 triệu m3 nước, năm nay khô hạn kéo dài đến giữa tháng 9 nên hồ nằm trơ đáy. Trong khi đó, hệ thống cấp sinh hoạt tập trung thôn Hậu Sanh, hệ thống cấp nước các xã Phước Hà, Nhị Hà được lấy nước nguồn từ hồ Tân Giang.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, GĐ Trung tâm NS- VSMTNT Ninh Thuận cho biết: Từ đầu tháng 8 đến nay hồ Tân Giang hết nước, các hệ thống cấp nước sinh hoạt “ăn” nước từ hồ này lẽ ra ngưng hoạt động, cùng với đó là 6.000 nhân khẩu của 2 xã trên có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên toàn bộ người dân các xã vẫn được cung cấp nước sinh hoạt đầy đủ. Đây quả là điều kỳ diệu.
Có được kết quả này là những năm trước đây, Trung tâm đã đấu nối 3 hệ thống cấp nước trên với hệ thống cấp nước Hữu Đức của huyện Ninh Phước, do vậy khi các hệ thống lấy nước từ hồ Tân Giang không có nước thì Trung tâm sử dụng bơm tăng áp để bơm nước từ hệ thống cấp nước Hữu Đức đến các hệ thống cấp nước trên để cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Hiện nay Trung tâm quản lý, khai thác 38 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, được xây dựng tại hầu hết các vùng nông thôn trong tỉnh, kể cả các xã miền núi. Nhờ quản lý vận hành tốt, thường xuyên bảo dưỡng nên các hệ thống cấp nước đều phát huy hiệu quả cao. Tại Ninh Thuận đã có trên 92% người dân nông thôn dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có 64% dân số được cấp nước sạch đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế.
Nam Anh (T/h)