Bị tăng giờ làm lên 10 giờ mỗi ngày song thu nhập lại giảm, nhóm công nhân người Việt đình công. Hơn nửa năm nay, họ không có tiền ăn, phải gom phế liệu sống qua ngày.
Ngày 6/11 trên Facebook cá nhân Chien Ca đăng clip kêu cứu, với hy vọng nhận được sự giúp đỡ của các cấp có thẩm quyền để anh và nhóm của mình được về nước đoàn tụ cùng gia đình.
Clip quay bằng điện thoại dài hơn 3 phút trong phòng có gần 20 người đang ngồi trên giường tầng. Một người thay mặt cả nhóm nói lời thoại mang nội dung kêu gọi sự giúp đỡ. Theo đó, đây là nhóm người dân huyện Pác Nặm (huyện Ba Bể, Bắc Cạn) đã ký hợp đồng với Công ty Thăng Long tại Việt Nam để đi xuất khẩu lao động sang Ảrập Xêút (Saudi Arabia).
Như lời nhân vật trong video, Công ty Thăng Long hứa nhiều lần là sẽ sớm đưa công nhân về nước, muộn nhất là vào 30/10 nhưng qua tháng 11 họ vẫn tiếp tục chờ đợi. Hiện, nhóm công nhân này phải sinh hoạt trong một không gian chật hẹp, thiếu thốn, không có đồ ăn, phải thu gom bán đổi sắt vụn lấy đồ ăn và có nguy cơ chết đói...
Từ đoạn clip, phóng viên vào cuộc tìm hiểu thì được biết, trong số 20 lao động, phần lớn là người dân tộc huyện Pác Nặm và Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn, ngoài ra còn có một số ở tỉnh như Phú Thọ, Hà Tĩnh được đưa đi xuất khẩu lao động trong chương trình xóa đói, giảm nghèo (theo Nghị định 71 của Chính phủ áp dụng đối với các huyện nghèo trong cả nước).
Tháng 7/2013, hơn 40 lao động đã ký hợp đồng làm việc với Công ty Bader (Ảrập Xêút) thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long (Công ty Thăng Long, có trụ sở ở Hà Nội) với nội dung làm việc 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, mức lương tháng 1.400 SAR (tương đương 8-9 triệu đồng). Nhưng hợp đồng đó chỉ được chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm trong 6 tháng đầu.
Đến tháng 3/2014, các lao động phải ký một hợp đồng mới bằng tiếng Anh và tiếng Ảrập, thời gian làm việc tăng lên 10 giờ/ngày và thu nhập chỉ còn 1.200 SAR. Không đồng ý, tháng 4/2014, nhóm công nhân này đình công. Kể từ đó, họ không có tiền ăn, tiền công ty còn nợ cũng không được thanh toán.
Nhóm lao động này và thân nhân sau đó nhiều lần làm đơn gửi các cấp chính quyền mong được giải quyết đưa về nước để đoàn tụ với gia đình. Phía Công ty Thăng Long hứa đưa toàn bộ lao động này về nước trước ngày 30/10.
Tuy nhiên, sau hai đợt đưa 20 người lao động về, số lao động còn lại vẫn ở tại Ảrập Xêút trong điều kiện thiếu thốn. Họ phải sống trong căn phòng nhỏ, ngủ hai người một giường đơn, không có tiền ăn, phải gom phế liệu, vỏ lon... sống qua ngày.
Trả lời câu hỏi của PV về sự khác biệt giữa hai bản hợp đồng mà người lao động ký kết có sự khác biệt về số giờ làm và lương thưởng, ông Ngô Văn Quyết, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long (Thăng Long OSC) giải thích: “Đó là do người lao động chưa hiểu hết. 1.400 SAR là gồm 1.000 SAR cho 8 giờ làm việc, 200 SAR cho 2 giờ làm thêm và 200 SAR tiền ăn”.
Ngày 11/11 nhiều lao động người Việt vẫn chưa có công việc và cũng chưa được đưa về nước. Ảnh: Chien Ca. |
Ngày 29/9, trong công văn mới nhất của Công ty Thăng Long gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Kạn và UBND huyện Pác Nặm, sự việc cũng chỉ nêu rất chung chung.
Theo nội dung công văn này, "Nếu lao động đồng ý đi làm từ ngày 27/9/2014 sẽ được Công ty Bader ứng ngay 200 SAR tiền ăn và thanh toán lương vào cuối tháng làm việc, những khoản tiền lương công ty chưa trả trong vòng 10 ngày (kể từ ngày đi làm). Nếu lao động không đồng ý đi làm sẽ được đưa về Việt Nam; không được đình công, vi phạm nội quy công ty, vi phạm pháp luật nước sở tại. Những lao động chưa có thẻ làm việc cũng áp dụng những điều trên".
Tuy nhiên, phía Công ty Thăng Long không nêu rõ được việc công nhân đi làm sẽ thực hiện theo hợp đồng ký với Công ty Thăng Long tại Việt Nam hay hợp đồng ký tại Ảrập Xêút với Công ty Bader. Trong khi hai hợp đồng này khác nhau về quyền lợi của công nhân.
Vì vậy, những công nhân này tiếp tục đình công và có nguyện vọng được đưa về Việt Nam, đoàn tụ với gia đình.
Ông Ngô Bá Quyết cho biết, ngay sau khi có thông tin lao động người Việt đình công, bị tước thẻ lao động, công ty đã chủ động liên hệ với phía Ảrập Xêút để đưa người lao động về nước.
Đưa ra hai bản danh sách 20 người lao động đã được đưa về nước, ông Ngô Bá Quyết khẳng định, “công ty đã làm hết trách nhiệm".
“Chúng tôi đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ảrập Xêút, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) để đưa lao động về nước. Tuy nhiên, việc đưa người về Việt Nam gặp khó khăn bởi công ty sử dụng lao động đang gặp khó khăn”, ông Ngô Bá Quyết nói và cũng cho hay, công ty "chưa thể hứa" đến khi nào có thể đưa hết người về nước.
Trao đổi về vụ việc, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ cho biết, đang cho kiểm tra lại thông tin về số lao động người Việt tại Ảrập Xêút.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải khẳng định, tỉnh đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng với các cơ quan chức năng và công an trực tiếp xuống Hà Nội làm việc với Công ty Thăng Long để sớm đưa các công nhân sang từ tháng 4/2014 đến nay không có việc làm về nước. Các công nhân đình công cũng được xem xét để đưa về nước theo nguyện vọng của bản thân và gia đình. |