Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Giáp Thìn năm 2024.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các cục quản lý chuyên ngành, các Sở GTVT, các Tổng công ty và doanh nghiệp GTVT khẩn trương lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải, xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải, ứng phó nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, bảo đảm giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông.
Kế hoạch này cần tập trung vào việc bố trí phương tiện, tăng cường, bổ sung hoặc điều chuyển phương tiện khi có nhu cầu, bố trí lái tàu, lái xe, phi công, nhân viên phục vụ bảo đảm cho cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên đi lại được thuận tiện, an toàn; không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển.
Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra công tác phục vụ vận tải đường bộ trong dịp Tết; hướng dẫn, đôn đốc các Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại đường dây nóng; đồng thời, chỉ đạo nhà đầu tư BOT xây dựng phương án phân luồng giao thông tại các trạm thu phí.
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay, trang thiết bị soi chiếu an ninh để bảo đảm an ninh; xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Cục Đường sắt Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, khu vực đường ngang, lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ tăng cường công tác kiểm tra an toàn đối với các phương tiện trước khi cấp phép rời cảng, đặc biệt chú trọng cảnh báo về ảnh hưởng thời tiết gió mùa Đông Bắc khi phương tiện hoạt động tại khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng…); phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tăng cường công tác bảo đảm ATGT trên tuyến vận tải ven biển và các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý đầu tư xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo các Ban Quản lý dự án giao thông tăng cường công tác kiểm tra đơn vị thi công thực hiện nghiêm việc đảm bảo ATGT khi thi công các công trình; có kế hoạch hoàn trả mặt đường và biện pháp thi công phù hợp với thời gian phục vụ Tết để không ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân; đồng thời yêu cầu lái xe, chủ xe chở vật liệu xây dựng phục vụ các công trình đúng trọng tải cho phép chở theo quy định.
XEM THÊM: Phó Thủ tướng yêu cầu Bắc Ninh kiểm tra thông tin lãnh đạo Sở NN&PTNT đi chơi golf giờ hành chính
Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tăng cường phục vụ tốt nhu cầu đăng kiểm phương tiện của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân; phối hợp tuyên truyền việc thực hiện các quy định trong kinh doanh vận tải.
Ngoài ra, các Sở GTVT chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Công an địa phương thành lập các đoàn kiểm tra công tác phục vụ vận tải, kiểm tra việc tuân thủ quy định về giá cước, bảo đảm ATGT; phòng chống khủng bố, dịch bệnh trong vận tải dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Giáp Thìn năm 2024.
Nguyễn Lâm