Người dân làng hoa Thái Phiên (Lâm Đồng) vốn quen gọi người tỷ phú nông dân như vậy mỗi khi nhắc đến Nguyễn Thanh Hải – ông chủ của hơn 5.000 m2 vườn hoa cúc kim cương, mỗi năm thu về hơn 1 tỷ đồng.
Cơ ngơi của anh Hải có được ngày hôm nay là do được thừa hưởng từ nghề trồng hoa gia truyền của gia đình cùng với niềm đam mê hoa, yêu hoa. Theo anh Hải, cơ duyên đến với hoa cúc kim cương xuất phát từ chỗ gia đình có nghề trồng hoa cúc lâu năm.
Bên cạnh đó, vào năm 2000 do hoa cúc kim cương xuất xứ từ Nhật Bản về Việt Nam rất đẹp, nhưng giá đắt, anh Hải có mua thử thấy hoa đẹp, trưng được lâu nên mày mò tìm hiểu, ươm giống để hoa có thể sinh trưởng tại Lâm Đồng. Sau nhiều lần thất bại, nhưng anh vẫn kiên trì, đất và hoa đã không phụ lòng người, kết quả là diện tích hoa cúc kim cương ngày càng được mở rộng. Với cơ ngơi anh có ngày hôm nay là công sức hơn 10 năm lai tạo, ươm mầm và lặn lội để đưa giống hoa ngoại về Việt Nam.
Khởi đầu từ 1.000 m2 đất do bố mẹ để lại, ông chủ trẻ đã phải vật lộn và bươn trải nhiều năm để có diện tích vườn hoa cúc kim cương rộng 5.000 m2.
Thời gian đầu, việc cấy mô, ươm tạo giống khá khó khăn, phải mất 6 – 7 tháng, hoa cúc kim cương của ông chủ trẻ mới cho những bông đầu tiên. Theo anh Hải, thời gian đầu khá khó khăn vì diện tích đất canh tác nhỏ hẹp, công với việc nhân giống hoa để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Lâm Đồng là khá khó khăn.
Cái khó ló cái khôn, ban đầu anh trồng xen canh các loại cây như actiso, hoa cúc và rau sạch. Sau khi nhân giống thành công, anh thuê lại đất của một số bà con nông dân và mở rộng diện tích trồng cúc kim cương.
Năm 2004, khi bắt tay vào trồng thử 10.000 cây cúc anh Hải đã thu về 15 triệu đồng. Mặc dù các vụ sau, cúc kim cương đạt hoa loại A thấp hoặc bị hư lá, không trổ bông. Không nản chí, anh tiếp tục nghiên cứu về thổ nhưỡng và các đặc điểm sinh trưởng của hoa cúc để có biện pháp canh tác hợp lý.
Sau khi nghiên cứu kỹ cách chăm bón, đến năm 2010 anh Hải mới phát triển đại trà và chuyên canh cúc kim cương. Từ việc đi thuê 4 sào đất, đến nay anh đã mua lại chính mảnh đất này với giá 800 triệu đồng để mở rộng.
Theo anh Hải, hiện cúc kim cương đang được thị trường ưa chuộng, đặc biệt với bông to đẹp, màu vàng óng, hoa quý phái này được mua với giá cao và bán rất chạy.
Tại Đà Lạt, cúc kim cương được trồng khá ít, theo Sở Nông nghiệp của địa phương này, hiện chỉ có từ 5 – 6 hộ trồng loại hoa này và vườn của Hải Kim Cương có diện tích rộng nhất. Với diện tích như hiện nay, mỗi năm vườn của anh cung cấp hơn 250.000 hoa cho thị trường. Với mức giá 2.800 đồng/cành, mỗi năm ông chủ vườn cúc kim cương thu về giá trị một tỷ đồng.
Sở hữu vườn cúc tiền tỷ, ông chủ trẻ chia sẻ kinh nghiệm, trồng cúc đặc biệt là cúc kim cương rất kén đất và chế độ chăm sóc. Khâu làm đất rất quan trọng vì cúc kim cương chỉ phù hợp với đất đỏ bazan, vì vậy, người trồng phải cải tạo đất, bón lót để đất luôn tươi xốp, giàu chất dinh dưỡng và giữ độ ẩm cao. Bên cạnh đó, nhà vườn phải thường xuyên bón lót và bón thúc cho cây đủ chất vi lượng, hạn chế dùng phân hóa học vì sẽ làm đất cằn cỗi và khô lá và hoa.
Theo Người đưa tin
Xem thêm video:
[mecloud]sop8LNZuUP[/mecloud]