UBND Hà Tĩnh đã quyết định dừng xây miếu thờ trong dự án Formosa. Thông tin này được ông Trần Đình Thuyên, Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho biết sáng ngày 19/7.
Ông Thuyên cho biết, Tỉnh ủy Hà Tĩnh có chỉ đạo về việc dừng xây miếu thờ trong dự án Formosa, thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh.
Báo Thanh Niên dẫn văn bản thông báo số 510-TB/TU, Tỉnh ủy chỉ đạo: “Sau khi nghe báo cáo và các thông tin về việc phản ánh của dư luận là không đồng tình với việc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đề xuất xây dựng miếu thờ trong dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh; nay Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng ủy nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, các sở ban ngành cấp tỉnh có liên quan và huyện Kỳ Anh làm việc để dừng triển khai theo đề xuất xây dựng miếu thờ của Công ty FHS; đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung trên và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy”.
Trước đó, tại văn bản số 2784/UBND-GT của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì cơ quan này đã đồng ý cho Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn Formosa, Đài Loan) triển khai xây dựng miếu thờ trong Khu kinh tế Vũng Áng với mục đích là để thờ tự các vong linh trong khu vực dự án có phần mộ đã thất lạc.
Quyết định được đưa ra ngay sau khi Chính phủ bác đề xuất xin thành lập đặc khu của doanh nghiệp này tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Báo Tuổi Trẻ cho biết, miếu thờ do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xây dựng là công trình có quy mô nhỏ, đơn giản, có tính nhân văn, nhằm thờ tự các vong linh trong khu vực dự án có phần mộ thất lạc.
Việc xây dựng miếu thờ không làm ảnh hưởng đến quy hoạch khu hành chính và quy hoạch khu liên hợp gang thép.
Formosa Hà Tĩnh (Ảnh: TTO). |
Dự kiến miếu thờ nằm phía trước bên phải tòa nhà hành chính và phía trước bên phải khu nhà chín tầng. Diện tích miếu thờ khoảng 18 mét vuông với chiều rộng 3,6m chiều dài 5,1m, chiều cao 4,5m.
Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) được Chính phủ cho nhiều ưu đãi ở mức rất cao nhưng họ chưa thỏa mãn, còn đề xuất đòi thành lập đặc khu của doanh nghiệp này tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Tuy nhiên, đề xuất này đã chính thức bị Chỉnh phủ cũng như Bộ KHĐT lên tiếng bác bỏ.
Nhiều ưu đãi
Trong công văn số 1406022/CV-FHS gởi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) vừa có những yêu cầu vượt quá khuôn khổ luật pháp và chính sách ưu đãi hiện hành của Việt Nam.
Tổng giám đốc công ty Hưng Nghiệp Formosa Dương Hồng Chí lý giải việc thiết lập đặc khu kinh tế nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện...
Nhà đầu tư 100\% vốn Đài Loan này đề xuất một loạt biện pháp ưu đãi như được Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn..., miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu...
Formosađề xuất được xây ký túc xá hộ gia đình để cho thuê, bán lại cho nhân viên, trong đó nhân viên người Việt có thể nhận được quyền sử dụng đất lâu dài trong đặc khu. Thậm chí, mô hình khép kín có thể được hình thành với bệnh viện, trường học, nhà trẻ, lớp học song ngữ hoặc trường song ngữ.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm đầu tư, doanh nghiệp đặt điều kiện nếu vì mục đích an toàn quốc phòng mà phải thu hồi đất đặc khu, Ban quản lý và phía đầu tư trước khi thu hồi phải thảo luận vấn đề bồi thường để đi đến thống nhất ý kiến. Đồng thời, nếu xảy ra các cuộc bạo động mà không phải do chủ quan từ phía nhà đầu tư, dẫn tới tổn thất kinh doanh và tài sản, toàn bộ sẽ do Chính phủ chịu trách nhiệm bồi thường.
Trước đó, Fomosa Hà Tĩnh cũng đã từng đưa ra nhiều đề xuất, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho phép Formosa Hà Tĩnh hoàn tất các thủ tục theo quy định để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân thuê hoặc mua.
Nhiều đề xuất khác của Formosa Hà Tĩnh cũng được giải quyết. Cụ thể, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội kịp thời áp dụng cơ chế, tiêu chuẩn đặc thù, linh hoạt để giải quyết nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu bổ sung lao động người nước ngoài và trong nước của dự án Formosa Hà Tĩnh.
Tỉnh Hà Tĩnh được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục như miễn hợp pháp hóa lãnh sự bằng dịch chứng thực (hoặc công chứng) trong thủ tục cấp phép lao động nhằm “đáp ứng yêu cầu về lao động xây lắp” của các nhà thầu dự án Formosa Hà Tĩnh.
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh do có quy mô lớn, ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội (là dự án FDI có tổng vốn đầu tư lớn nhất hiện nay) nên được Thủ tướng Chính phủ cho phép hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi cao nhất: chỉ 10\% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn bốn năm và giảm 50\% trong chín năm tiếp theo.
Được voi đòi tiên?
Theo bản thuyết minh của Formosa Hà Tĩnh, giai đoạn 1 tập đoàn này đầu tư vào VN số vốn 9,9 tỉ USD. 1/3 số tiền trên sẽ do các cổ đông Formosa Hà Tĩnh bỏ ra, số tiền đi vay ngân hàng quốc tế là 1/3 và 1/3 còn lại sẽ vay tại VN.
Có lẽ vì lập luận nhà máy của hãng này sẽ là tầm cỡ quốc tế, vì mục tiêu kinh tế mà Formosa đàng hoàng xin hết ưu đãi này đến ưu đãi khác. Formosa liệu có trở thành niềm tự hào như lời giới thiệu?
GS Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ gọi, đề xuất xin thiết lập đặc khu kinh tế nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện... của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) là đề xuất lạ.
Vị giáo sư này lý giải sở dĩ ông gọi như vậy vì cả thế giới cũng chưa có nước nào làm như vậy.
GS Nguyễn Đình Lương phân tích, phát triển ngành sắt, thép không phải là xu hướng của quốc tế. Trong khi thế giới đang tìm mọi cách để đẩy ra thì Việt Nam vẫn đang và luôn luôn làm một thùng rác để nước ngoài trút bỏ vào đó.
Trong khi đó, Việt Nam lại coi đây là chiến lược phát triển, với những kỳ vọng như xây dựng nhà máy gang, thép Formosa sẽ trở thành nhà máy thép với quy mô lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, giúp ổn định cơ bản thị trường thép, giảm thiểu nhập siêu thép của đất nước trong những năm qua.
Đã biết rõ như vậy nhưng vẫn đồng ý cho đầu tư, xây dựng nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh thì không thể không đặt ra câu hỏi: Vì lợi ích gì?
Phải chăng Việt Nam đang muốn thí điểm làm mô hình mẫu của nhân loại hay không nhưng về mặt kinh tế đây không phải là một hướng phát triển hay.
Thứ hai, người ta nói tới vấn đề nhạy cảm chính trị. Vị trí nhà đầu tư xây dựng không chỉ có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng mà ở đây người ta còn nói tới một chiến lược biến Việt Nam thành "cục sắt".
Cùng chung lo ngại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nên thận trọng, cân nhắc và tuyệt đối không được đồng ý với những đề xuất phi lý như vậy.
Trên phương diện chính trị, bà cho rằng đề xuất này sẽ gây ra nhiều hệ lụy rủi ro, trước hết là về an ninh, quốc phòng.
Vị trí của khu kinh tế này rất quan trọng cả về phát trển kinh tế cũng như an ninh chính trị, có rất nhiều cảng nước sâu nên không thể ưu ái cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại những vị trí này.
Bà Lan cũng nghi ngờ lập luận thành lập khu kinh tế Vũng Áng với lý do để phát triển kinh tế.
Trong khi vào Việt Nam các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận được quá nhiều ưu tiên, ưu đãi thì những lời hứa về tiềm năng kinh tế, về tăng trưởng phát triển chỉ là lời hứa trong tương lai mà không ai có thể đảm bảo được.
Bà cho biết, nếu muốn đánh giá về tiềm năng kinh tế khi thành lập Formosa Hà Tĩnh thì phải nhìn nhận lại những phản biện mạnh mẽ của chính các chuyên gia ngành thép.
Đầu tư vào ngành thép hiện nay chi phí rất cao, tốn kém nhiều đòi hỏi nhiều đầu tư thêm. Chỉ vì những nhà máy nhiệt điện đó mà phải hi sinh rất nhiều về cơ sở hạ tầng, liệu có đáng không?