Hàng trăm hộ gia đình ở Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn đang sống trong cảnh ngập lụt. Khu vực phía đê tả sông Bùi còn bị đe dọa khi mực nước vượt báo động 3.
Những ngày qua, đê tả sông Bùi luôn bị đe dọa khi mực nước vượt mức báo động 3. Ảnh: Xuân Đoàn |
Đê điều xảy ra nhiều sự cố
Chiều 2/8, trao đổi với PV, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho hay 10 ngày qua, một số khu vực ngoại thành của Hà Nội vẫn trong tình trạng ngập lụt kéo dài như vậy là do do nước lũ trên sông Bùi qua huyện Chương Mỹ dâng cao và rút lại chậm.
"Lũ cuồn cuộn đổ về bởi mưa lớn đã trút xuống cả nửa tháng nay ở thượng nguồn sông Bùi - huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Tại sông Đáy - nơi tiếp nhận nước lũ từ sông Bùi, mực nước cũng ở mức báo động cao nên nước ứ đọng tại vùng hạ lưu là huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Chưa kể ngay tại huyện Chương Mỹ cũng có mưa rất to gần 500mm, càng làm tình trạng ngập thêm nghiêm trọng", ông Mỹ nói.
Theo ông Mỹ, lượng nước lớn chảy từ tỉnh Hòa Bình và huyện Ba Vì (Hà Nội) về, tràn qua một số đê bao phân lũ, khiến khu vực các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất ngập lụt sâu.
Nước dâng cao cũng khiến ngoại thành Hà Nội xảy ra nhiều sự cố đê điều như: Sạt lở chân đê bối hữu Bùi (ngày 21/7) 3 sự cố rò rỉ qua mang cống đê hữu Bùi; 1 sự cố sụt mang cống thuộc trạm bơm Trại Nứa, đê bao hữu sông Tích; tràn 3 đoạn đê bối hữu sông Tích và 1 đoạn đê bao tả Tích; 2 sự cố rò rỉ mang cống thuộc trạm bơm Đốc Tín, đê hữu Đáy và trạm bơm Đức Môn (vào ngày 22/7).
Ngày 23/7 có 2 sự cố rò rỉ qua mang cống đê bối xã Đồng Tiến. Đến ngày 26/7, sự cố bục thân cống đê bao hữu sông Tích tiếp tục xảy ra.
Chờ phương án nâng cấp đê
Trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Thịnh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho hay, cần phải có phương án đảm bảo an toàn đê điều và phương án đảm bảo an toàn cho người dân khi xảy ra ngập, lụt.
Theo ông Thịnh, sông Bùi ngoài gánh nước trong lưu vực nội tại của Hà Nội còn phải hứng chịu nước lũ rừng ngang. Khu vực sông Bùi có 2 bên tả và hữu. Bên hữu là vùng chứa nước, vùng phân lũ. Ở phía bên hữu sông Bùi, khi dân cư sinh sống, phát triển, người dân ngăn bằng đê bao, đê bối nhưng những đê này không được cao hơn đê tả Bùi.
“Nếu đê tả sông Bùi bị tràn, bị vỡ rất có thể những xã còn lại của Chương Mỹ sẽ chìm trong nước lũ và nước trào vào đường 6 khiến các tuyến đường giao thông bị tê liệt, chia cắt phía Tây với khu vực khác của Thủ đô. Các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây sẽ bị ảnh hưởng.
Câu chuyện đặt ra ở đây về an toàn đê điều là bảo vệ tránh việc vỡ đê, tràn đê tả Bùi. Bởi việc này sẽ khiến mức ảnh hưởng và thiệt hại vô cùng nặng nề. Cùng với đó là phương án bảo đảm an toàn cho dân cư vùng phân lũ, vùng đê hữu sông Bùi”, ông Thịnh nói.
Liên quan đến việc tiếp tục nâng cấp đê tả Bùi, ông Thịnh cho biết đây đang là ý tưởng. Việc cải tạo đê điều và đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực vùng lũ, vùng ngập lụt luôn được thành phố quan tâm.
Và việc này nhằm đảm bảo an toàn đê điều. Khả năng cao phần đê tả sông Bùi sẽ được nâng cao từ 80cm - 1,5m và phần đê sẽ được kiên cố hóa hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng, kết cấu thế nào còn phải được các cơ quan chuyên môn đánh giá, nghiên cứu.
“Một vấn đề nữa đặt ra đó là vấn đề an toàn dân cư. Đối với những làng, xã thuộc khu vực đê hữu sông Bùi, ở những vùng trũng, thấp cần phải có phương án di dời nhân dân. Cùng với đó, cần phải từng bước kiên cố hóa được những khu không thể di dời, những khu tập trung dân cư tập trung đông đúc, phải hạn chế được tối đa được thiệt hại khi có ngập, lụt. Đối với việc trồng trọt, sản xuất thì cần có khuyến cáo về việc trồng cây ngắn ngày” – ông Thịnh nói.
Báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội về tình hình mưa úng và công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn TP cho biết, hiện sông Tích tại trạm Kim Quan trên mức báo động 2; sông Tích tại trạm Vĩnh Phúc trên mức báo động 3, sông Bùi tại trạm Yên Duyệt trên mức báo động 3. Nhiều hồ như Miễu, Văn Sơn, Quan Sơn, Kèo Cả vẫn vượt thiết kế.
Cụ thể, mực nước tại sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt (Chương Mỹ) thực đo là 7,15m trên báo động 3 là 0,15m; mực nước tại sông Tích tại trạm thủy văn Vĩnh Phúc (Quốc Oai) thực đo là 8,15m trên mức báo động 3 là 0,15m.
Minh Phạm