Nghe tin đồn về chuyện chợ Đồng Xuân sẽ bị dẹp bỏ để xây trung tâm thương mại, hàng trăm tiểu thương căng băng rôn phản đối. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã lên tiếng về tin đồn chợ Đồng Xuân bị dẹp bỏ.
Sáng 9/4, hàng trăm tiểu thương buôn bán tại chợ Đồng Xuân đã mang băng rôn, biểu ngữ tập trung trước cổng chợ để phản đối việc phá bỏ chợ Đồng Xuân xây trung tâm thương mại.
Một số tiểu thương ở chợ Đồng Xuân cho biết: “Mới đây, họ có nghe thông tin về việc UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức hội thảo khoa học về việc xây dựng và tu sửa chợ Đồng Xuân thành khu trung tâm thương mại vì chợ này xuống cấp, thiếu chỗ để xe, quá tải về giao thông khu vực xung quanh chợ… Tuy nhiên, họ không hề hỏi ý kiến chúng tôi”.
Các tiểu thương căng băng rôn phản đối xây lại chợ Đồng Xuân. |
Các tiểu thương cho rằng, việc xây dựng lại chợ Đồng Xuân sẽ gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Ngoài ra, khi chợ được xây lại, họ khó có “suất” để làm ăn buôn bán.
Tuy nhiên, trưa nay (9/4), trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã bác bỏ thông tin dẹp bỏ chợ Đồng Xuân để xây trung tâm thương mại. Ông Long cho biết, cùng ngày, quận cũng đã có văn bản chính thức gửi các tiểu thương về việc này.
Theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, trưa nay quận đã tổ chức đối thoại, giải thích với đông đảo bà con tiểu thương chợ Đồng Xuân.
Tại buổi đối thoại, ông Phạm Tuấn Long cho hay: “Có một số thông tin gửi đến cho chúng tôi sắp xây chợ, chuyển bà con đi nơi khác. Xin khẳng định, không có chuyện xây chợ Đồng Xuân thành trung tâm thương mại giống như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam...”.
Theo đó, vừa qua UBND quận Hoàn Kiếm có tổ chức tọa đàm tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia về việc gìn giữ nét sinh hoạt, buôn bán truyền thống của chợ Đồng Xuân, đồng thời tham vấn ý kiến về việc đảm bảo hệ thống PCCC, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường quanh khu vực chợ để góp phần làm cho môi trường chợ sạch sẽ, giao thông thông thoáng… để việc kinh doanh sẽ tốt hơn chứ hoàn toàn không có chuyện xây dựng lại chợ Đồng Xuân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ của Hà Nội, được xây dựng từ năm 1804. Năm 1990, chợ được xây dựng lại, gồm có 3 tầng. Năm 1994, chợ Đồng Xuân bị cháy và lửa thiêu trụi gần như toàn bộ các sạp hàng trong chợ. Đây là vụ cháy chợ lớn nhất ở Hà Nội cho đến ngày nay.
Chợ Đồng Xuân với kiến trúc cổ kính là nơi gắn với sự phát triển của Hà Nội. (Ảnh: Internet). |
Vào năm 2016, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng đã từng có đề xuất về việc xây dựng lại chợ Đồng Xuân. Theo đề xuất, diện tích “sổ đỏ” của chợ Đồng Xuân là 30.000m2, hiện chỉ sử dụng 14.000m2, gây quá tải và lãng phí. Hơn nữa, chợ được xây dựng lại từ năm 1994, hạ tầng đã cũ. Do đó, đề xuất xây lại chợ này với quy mô 4 tầng nổi và 5 tầng hầm.
Đề xuất này sau đó cũng ngay lập tức bị phản đối bởi các tiểu thương và các nhà văn hóa, kiến trúc.
Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc nêu ý kiến: Chợ Đồng Xuân là địa danh gắn liền với văn hóa và sự phát triển của Hà Nội. Địa danh này đã đi vào thơ ca và mỗi khi nhắc về Hà Nội người ta không thể không nhắc tới chợ Đồng Xuân.
Theo Giáo sư Chương, phát triển thì luôn gắn với hiện đại và đồng nghĩa với việc đập cái cũ đi để xây cái mới. “Tuy nhiên, không phải cái gì cũ cũng đập đi, phá đi được mà đã là văn hóa, di sản, lịch sử thì phải bảo tồn”, Giáo sư Hoàng Chương nhấn mạnh.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội nêu ý kiến: Chợ Đồng Xuân đã được người Pháp xây dựng, là di sản đô thị, gắn liền với sự hình thành và phát triển thương mại, ghi đậm dấu ấn quân dân đã chiến đấu dũng cảm bảo vệ Thăng Long.
Chợ Đồng Xuân cùng với cầu Long Biên là 2 công trình tuyệt vời mà người Pháp để lại cho Hà Nội. Khi xây dựng mặt tiền chợ Đồng Xuân, người Pháp khéo léo xây dựng mái vòm tựa cổng thành Thăng Long kết hợp với kiến trúc Pháp tạo nên một công trình rất đặc biệt. Ngoài ra, chợ Đồng Xuân còn làm tăng thêm giá trị văn hóa cho không gian khu phố cổ.
“Chúng ta phải nhận diện đầy đủ di sản chợ Đồng Xuân, có sự đồng thuận của cộng đồng để phát huy giá trị di sản. Ví dụ như cầu Long Biên, trong những lần quy hoạch đã có người ý kiến định bỏ đi, xây lại cầu mới với chức năng mới. Nhưng cuối cùng, chúng ta xem xét lại vì nó là Di sản Quốc gia được Chính phủ Việt Nam kết hợp với Chính phủ Pháp giữ gìn, bảo tồn. Đây chính là bài học kinh nghiệm trong việc này”, KTS Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ.
Với tư cách là một người dân Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bày tỏ: "Chợ Đồng Xuân là công trình kiến trúc cổ kính, ta nên cố gắng giữ gìn.
Nhất Nam
Theo Người Đưa Tin