Hà Lan đã lên tiếng từ chối tham gia vào kế hoạch hành động quân sự của Mỹ nhằm không kích vào Syria.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, Hà Lan không cân nhắc tham gia vào các kế hoạch không kích Syria. "Chúng tôi thấu hiểu phản ứng của các bên, tuy nhiên ở thời điểm này Hà Lan không bàn đến việc tham gia vào các kế hoạch hành động quân sự nhằm vào Syria", Thủ tướng Rutte nói.
Đức - một đồng minh khác của Mỹ trong khối NATO - cũng từ chối tham gia sứ mệnh này vài ngày trước đó. “Đức sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động quân sự nào và tôi muốn nói rõ rằng chưa có quyết định nào được đưa ra (về hành động quân sự). Tuy nhiên, chúng tôi ủng hộ mọi việc đang được tiến hành để gửi đi một tín hiệu rằng, việc sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được”, Sputnik dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 12/4.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: Reuters |
Theo Sputnik, việc Đức, Hà Lan tuyên bố không tham gia chiến dịch tấn công quân sự Syria là một trở ngại cho kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc tập hợp liên minh đối phó với Damascus. Trong khi đó, Tân Hoa xã ngày 12/4 dẫn tuyên bố của Tổng thống Lebanon Michel Aoun rằng Lebanon không cho phép sử dụng không phận của nước này để tấn công Syria.
Trước đó, London cũng đưa ra tuyên bố cần thêm bằng chứng về hành động tấn công hóa học của Damascus trước khi tham gia trừng phạt quân sự cùng Washington.
"Anh ủng hộ hành động quốc tế đáp trả vụ tấn công và sẽ phối hợp với các đồng minh tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nhưng một cuộc không kích chỉ được tiến hành khi có bằng chứng cho thấy Syria đã sử dụng vũ khí hóa học", tờ Times dẫn nội dung Thủ tướng Anh Theresa May trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua.
Tuyên bố này được Thủ tướng Anh đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ cáo buộc quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường và cam kết sẽ có hành động trả đũa nhanh chóng.
Bà May từ chối tham gia vào "hành động chóng vánh" này, trong bối cảnh các thanh sát viên thuộc Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) chuẩn bị đến thị trấn Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria để điều tra cáo buộc quân đội nước này dùng vũ khí hóa học khiến 70 người chết vào cuối tuần trước.
Hiện cả Anh và Pháp đều đứng về phía Mỹ, cáo buộc lực lượng chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng ở thị trấn Douma, Đông Ghouta hôm 7/4.
Mặc dù chưa đưa ra quyết định cuối cùng về phương án đáp trả chính quyền Syria, song Tổng thống Trump vẫn để ngỏ mọi khả năng, bao gồm tấn công quân sự bằng tên lửa. Trong khi đó, Nga và Syria cho đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới nghi vấn tấn công hóa học.
Nhân Văn (T/h)