Như vậy, dịch vụ của Grab chính thức có mặt tại 4 thành phố ở Việt Nam. Trước đó, dịch vụ Grabshare của hãng này đã bị cơ quan chức năng "tuýt còi", không cho hoạt động.
Ngày 23/8, Grab chính thức triển khai dịch vụ GrabCar và GrabTaxi tại tỉnh Quảng Ninh.
Bằng cách ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải trong tỉnh Grab có thể tổ chức dịch vụ ứng dụng kết nối xe hợp đồng với người có nhu cầu sử dụng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, phù hợp với khuôn khổ pháp luật.
Grab tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động. Ảnh: Internet. |
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết việc mở rộng tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh giúp hãng có cơ hội phục vụ người dân cũng như khách du lịch đến địa phương này một cách tốt nhất.
Trước đó, khi vừa đưa ra dịch vụ Grabshare, hãng này đã bị Bộ Giao thông vận tải cấm vận hành do không phù hợp với quy định hiện hành và kế hoạch triển khai thí điểm.
Hãng này cũng vừa cho thử nghiệm Chương Trình “GrabRewards” trên toàn Đông Nam Á. Đây là chương trình khách hàng thân thiết với 4 mức phân cấp: Bạch kim, Vàng, Bạc và Phổ thông. Người dùng Grab sẽ được tự động cộng điểm thưởng khi đặt xe của các dịch vụ GrabBkie, GrabCar và GrabTaxi. Điểm thưởng có thể được quy đổi thành các chuyến xe miễn phí hoặc ưu đãi giá cước, và dùng quy đổi các khuyến mãi của chương trình “GrabRewards”.
Gần đây, Grab vừa công bố Didi Chuxing (DiDi), nền tảng ứng dụng gọi xe hàng đầu thế giới và SoftBank Group Corp. (SoftBank), tập đoàn viễn thông hàng đầu toàn cầu, sẽ đầu tư lên đến 2 tỉ đô la Mỹ để dẫn đầu vòng huy động vốn mới nhất của Grab. Grab cũng dự đoán sẽ huy động được thêm 500 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư hiện tại và các nhà đầu tư mới, nâng tổng số vốn trong vòng huy động hiện tại lên đến 2,5 tỷ đô la Mỹ, trở thành vòng huy động vốn đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á.