Nếu dự thảo về thời hạn khuyến mại của Nghị định số 37 được thông qua, Hiệp hội taxi lo rằng những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn sẽ có nhiều cơ hội thao túng thị trường.
Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo sửa đổi Nghị định 37/2006/NĐ-CP.
Theo thông tin được VnEconomy đăng tải, ngày 6/7, Hiệp hội Taxi Hà Nội nhận được văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại và lấy ý kiến các tối tượng chịu tác động.
Hiệp hội taxi Hà Nội lo ngại các doanh nghiệp có vốn lớn sẽ thao túng thị trường. Ảnh: Internet. |
Tại mục 4, điều 9, Nghị định số 37 quy định: “Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được quá 90 ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 45 ngày”.
Theo kế hoạch, điều khoản này sẽ được bãi bỏ. Nếu như vậy, Hiệp hội taxi cho rằng sẽ mất đi một hàng rào "phi thuế quan". Khi đó, một doanh nghiệp có thể khuyến mãi kéo dài trong suốt cả năm, giảm giá liên tục nhằm mục tiêu phá giá, thao túng thị trường, tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, chiếm thế độc quyền và gây bất ổn cho nền kinh tế.
Hiệp hội này dẫn chứng, ngày 7/6 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã có văn bản số 1091 gửi Công ty TNHH GrabTaxi, trong đó nêu ra 9 chương trình khuyến mại, giảm giá trong số hàng chục chương trình của Grab kéo dài liên tục trong nhiều năm, nhiều chương trình tặng khách hàng 100% giá trị dịch vụ (đi miễn phí) và đề nghị Grab giải trình có hay không các chương trình này.
Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại yêu cầu Grab cung cấp tên chương trình, thời gian thực hiện, dịch vụ khuyến mại, hàng hoá dịch vụ khuyến mại, đối tượng hưởng khuyến mại, thể lệ chương trình và gửi lại cho Cục Xúc tiến thương mại trước ngày 15/6. Dù đã quá hạn 1 tháng nhưng Cục Xúc tiến thương mại vẫn chưa có câu trả lời về vấn đề này, báo Dân trí đăng tải.
Ngoài ra, Hiệp hội taxi Hà Nội còn đưa ra nghi vấn:“Để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng thì các doanh nghiệp FDI có dịch vụ xuyên biên giới như Grab, Uber khi thành lập doanh nghiệp có vốn điều lệ rất thấp (Grab Việt Nam 20 tỷ đồng, Uber 4,12 tỷ đồng) trong khi mỗi năm họ dành hàng trăm tỷ đồng cho quảng cáo thì pháp luật có quy định điều này không? Liệu như vậy có để nhằm mục đích lách các khoản thuế sẽ phải nộp không?”.
(Tổng hợp)