Theo báo Vietnamnet, vịt Cổ Lũng là đặc sản mà du khách không thể bỏ qua khi tới du lịch Pù Luông (Thanh Hóa). Giống vịt này khi chế biến nổi tiếng thơm ngon, thịt chắc, ngọt, thơm, ít mỡ, hương vị đặc trưng.
Giống vịt thuần ở đây hoàn toàn không có mùi hôi. Khi luộc, dù không cho các loại gia vị, vịt vẫn thơm, ngọt.
Vịt Cổ Lũng có xuất xứ ở xã Cổ Lũng thuộc huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đây là giống vịt quý hiếm, có từ lâu đời, được các thế hệ người Bá Thước gìn giữ, phát triển.
Khi mới nở, vịt có bộ lông tơ màu xám đen xen kẽ khoang màu vàng nhạt. Khi trưởng thành, vịt trống có lông ở đầu màu xanh, phần cổ, ngực và lưng lông màu nâu đỏ xen lẫn trắng, cổ có một vòng tròn màu trắng. Con mái lông màu cánh sẻ đậm, vòng tròn lông màu trắng hơi thắt lại, đuôi cánh có màu xanh đen.
Giống vịt này có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ rụt và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng.
Khu vực vịt Cổ Lũng sinh sống nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, giữa các dãy núi Nậm Bá, Nậm Mười, Pha Lé, Pù Luông, khí hậu quanh năm mát mẻ.
Cùng với đó là các con suối nước trong xanh, sạch sẽ, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú như ốc suối, cá nhỏ, tôm tép... Vì thế, vịt Cổ Lũng được xem là có hương vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ loài vịt nào.
Vài năm gần đây, du lịch ở Pù Luông phát triển mạnh mẽ. Nhiều resort, nhà hàng, khu du lịch cộng đồng được thành lập, thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó, vịt nuôi đến đâu bán hết đến đó, thương lái đến tận nhà thu mua.
Giá vịt Cổ Lũng bán ra thị trường tương đối đắt, dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 150.000 đồng/kg. Mức giá này ngang ngửa giá gà ta thả vườn.
Theo chủ một khu nghỉ tại Pù Luông, giá vịt Cổ Lũng ngày càng tăng cao do được nhiều người biết tới. Để mua được loại vịt chuẩn không dễ nên thực khách cần tìm nguồn uy tín hoặc nhờ người thân quen.
Ông Lò Văn Huyên, trưởng bản Hiêu - một trong những khu bản du lịch nổi tiếng nhất ở Pù Luông - cho biết, vài năm gần đây, bà con chăn nuôi vịt nhiều hơn để phục vụ nhu cầu du khách. Vịt Cổ Lũng rất đắt hàng, thậm chí còn có tình trạng khan hiếm.
Giống vịt này trước đây được bà con đồng bào vùng cao ở Bá Thước chăn nuôi nhỏ lẻ ở sông suối, đồng lúa gần nhà, chủ yếu ăn ngô, thóc ở ruộng lúa hay các loại cá, tôm, tép nhỏ. Vịt Cổ Lũng được nuôi chăn thả 4 tháng là có thể xuất bán.
Nhưng vì chăn nuôi nhỏ lẻ, giống cũng bị lai tạp nhiều nên có nguy cơ mai một. Hiện nay, tại Thanh Hóa, có một số trang trại đã tập trung nghiên cứu để phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng.
Hơn 10 năm qua, UBND huyện Bá Thước đã tích cực xây dựng và triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt”. Theo đó, nhiều hộ đã tích cực tham gia đề án này và có kinh tế ổn định. Mô hình này đem lại giá trị kinh tế cao so với mô hình truyền thống.
Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ việc tham gia đề án. Có hộ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ đã đầu tư mua được máy ấp trứng vịt có công suất 5.000 trứng/máy, thu nhập hàng năm đạt 300 triệu đồng.
Theo Phụ nữ Today, anh Tiến Hải (SN 1976, Quảng Thành, Thanh Hóa) đã nghiên cứu, lai tạo và phát triển giống vịt đặc sản Cổ Lũng thành công, thu lãi tới hàng trăm triệu mỗi năm. Mặc dù có bằng thạc sĩ và công việc giảng viên ổn định nhưng anh Hải quyết tâm từ bỏ tất cả để theo đuổi nghề nuôi vịt Cổ Lũng.
Anh Hải tâm sự: “Lúc bấy giờ ai cũng phản đối việc tôi thôi nghề giáo, mọi người trách tôi sao dại quá. Nói thật lúc đó người thân và bạn bè xem tôi như một gã khùng điên mới làm vậy”.
Thời gian đầu, anh Hải gặp nhiều khó khăn trong việc tìm giống vịt thuần chủng cũng như chưa biết cách chăm sóc ra sao. Sau vài tháng tìm tòi và học hỏi, anh Hải đã thành thạo hơn trong việc chăn nuôi.
Sau 4 tháng chăn chả, vịt Cổ Lũng có thể xuất bán. Giá bán loại vịt này hiện nay là 80.000 – 95.000 đồng/kg. Mỗi năm anh Hải bán khoảng 8.000 con vịt thịt. Cứ như vậy, anh Hải thu về 350 – 400 triệu đồng nhờ loại gia cầm này.
Giờ đây, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn lan ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa…
Vân Anh(T/h)