Báo Lao động dẫn lời nhiều người trồng bưởi cho biết, những ngày cận Tết, loại bưởi đỏ (hay còn gọi là bưởi tiến vua) luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Là một trong các hộ dân trồng bưởi đỏ "tiến vua", anh Phạm Văn Thành (ở xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, năm nay vườn bưởi của gia đình anh có hơn 100 gốc, ước tính có khoảng 2.000 quả bưởi để cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
"Năm nay được cái thời tiết thuận lợi, nên bưởi chín đúng thời điểm, quả ra đều và sai hơn mọi năm. Cứ vào dịp cuối năm, các thương lái lại đổ về để đặt mua, phục vụ bà con đón Tết, khiến không khí nơi đây lại rộn ràng”, anh Thành cho hay.
Cũng theo anh Thành, sở dĩ bưởi "tiến vua" được ưa chuộng bởi bưởi khi chín có màu đỏ (tượng trưng cho may mắn, phúc lộc). Đặc biệt, vào những ngày Tết, phun chút rượu lên quả bưởi sẽ tỏa ra mùi thơm rất dễ chịu và kéo dài hàng tháng trời.
Để trồng được một cây bưởi đến khi thu hoạch phải trải qua khá nhiều công đoạn, thông thường mất khoảng 3 năm bưởi mới cho ra quả. Quả bưởi khi còn non có vỏ màu xanh như các loại bưởi khác. Đến độ tháng 10 Âm lịch hàng năm, bưởi đổi màu sắc, cả quả bưởi chuyển màu đỏ từ ngoài vỏ lẫn trong lòng. Đặc biệt, vỏ bưởi mỏng, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước và có vị ngọt thanh.
Cũng theo anh Thành, năm nay dù còn cách Tết Nguyên đán Giáp Thìn hơn 1 tháng nữa, tuy nhiên, các thương lái đã về tận vườn đặt cọc để giữ bưởi bán Tết. Hiện, vườn bưởi của gia đình anh có khoảng 2.000 quả thì thương lái về tận vườn đặt mua hơn 1.000 quả. Dự kiến, chỉ ít ngày nữa bưởi trong vườn của gia đình sẽ bán hết.
"Mọi năm bưởi đỏ tại đây có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/quả. Thậm chí thời điểm hiếm bưởi, quả đẹp có thể lên tới vài trăm nghìn mỗi quả. Dự kiến năm nay với khoảng 2.000 quả bưởi, gia đình có thể bán được số tiền khoảng 200 triệu đồng, trừ các chi phí đi, gia đình thu lời hơn 100 triệu đồng”, anh Thành hồ hởi chia sẻ.
Theo đại diện Hội Nông dân xã Thọ Xương, giống bưởi đỏ “tiến vua” ban đầu xuất phát từ làng Luận Văn, có thời gian giống bưởi này bị mai một. Năm 2010 địa phương đã phục tráng lại giống bưởi này. Đến nay, giống bưởi đỏ Luận Văn đã được công nhận là sản phẩm OCOP.
Trung bình 1ha bưởi sẽ đem về thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Nhận thấy giá trị to lớn của bưởi “tiếng vua” nên mô hình này không ngừng được nhân rộng. Đến nay trên địa bàn xã đã có rất nhiều hộ trồng bưởi, với diện tích hơn 30ha.
Được biết hiện nay trên địa bàn xã Thọ Xương có hơn 30ha bưởi đỏ, đem lại giá trị kinh tế cao.
Vân Anh (T/h)