+Aa-
    Zalo

    Giật mình quy trình biến rau Trung Quốc thành rau nội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Để kiếm lợi, thương lái vẫn qua mặt người tiêu dùng bằng cách “hô biến”, trắng trợn nhiều loại rau quả Trung Quốc.

    Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã đề cao cảnh giác với rau, củ, quả Trung Quốc sau nhiều lần các mặt hàng này bị phát hiện kém chất lượng, nhiễm độc. Tuy nhiên để kiếm lợi, thương lái vẫn qua mặt người tiêu dùng bằng cách “hô biến”, trắng trợn loại rau quả nói trên.

    Bắp cải trong bịch toàn chữ Trung Quốc. 	Ảnh: M.H
    Bắp cải trong bịch toàn chữ Trung Quốc. Ảnh: M.H

    Ra khỏi thùng là… hàng Việt Nam!

    Đến chợ nông sản Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) vào buổi sáng sớm, PV Báo GĐ&XH phát hiện những xe tải nhỏ chở hàng vẫn còn tập kết gần chợ để bán sỉ các loại rau củ. Lúc này, các loại cà rốt, gừng... (thường được đóng trong các thùng giấy); cải bắp, cải thảo, cà chua, chanh… (đóng trong thùng xốp); hành tây, tỏi, khoai tây… (đóng trong các bao tải hoặc nilông) vẫn còn xếp la liệt. Những chiếc thùng này được bọc khá kỹ, bên ngoài vỏ thùng đều là chữ Trung Quốc, nhiều thùng có dòng chữ “made in China” cỡ lớn. Khách sỉ đến mua là trả tiền rồi nhận hàng, chẳng cần kiểm tra.

    Trong vai khách đi tìm mối mua sỉ để mở cửa hàng rau, chúng tôi theo sát hai phụ nữ mua 3 thùng hàng bọc kín, bên ngoài dày đặc chữ Trung Quốc. Hai phụ nữ đó kéo 3 thùng hàng đến chỗ đất trống, cách chiếc xe các chị vừa mua khoảng 4m rồi lần lượt mở các thùng hàng ra để chia nhau. Chúng tôi bắt chuyện: “Em muốn nhập ít hành tây, tỏi, hành Việt Nam. Mới bán mà bán luôn hàng Trung Quốc sợ khách không mua”. Một người phụ nữ cười lớn: “Ra khỏi thùng thì nó là hàng Việt Nam, ngu gì nói hàng Trung Quốc. Bán hàng phải mồm mép vào chứ”… Ra thế!

    Hai phụ nữ này cho hay, giá một thùng tỏi Trung Quốc loại 10kg giao động từ 130.000 - 150.000 đồng; Hành hoa có giá từ 170.000- 200.000 đồng/thùng; Hành tây có giá 100.000 đồng/thùng 20kg… Theo hai người phụ nữ này chỉ có rau xanh là ít có hàng Trung Quốc, còn các loại củ, quả phần lớn là “made in China”. Người ta nhập hàng Trung Quốc vì hai cái lợi: Thứ nhất là có chất bảo quản nên hàng bán ế cũng không sợ hỏng; Thứ hai là mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá lại rẻ nên vẫn có nhiều người chọn mua.

    Thông tin chúng tôi có được từ kinh nghiệm của một số tiểu thương là chỉ cần lấy hàng ra khỏi bao, thùng... là có thể giấu nhẹm xuất xứ. Người bán chỉ cần bóc bỏ lớp băng dính trên thùng xốp có chữ Trung Quốc, sau đó bán lẻ cho người tiêu dùng với lời giới thiệu là hàng... Đà Lạt sẽ rất được giá. Khách hàng không thể biết được thông tin xuất xứ của các loại rau củ này mà chỉ còn biết tin theo lời người bán hàng, nên muốn mở cửa hàng rau cứ vô tư nhập hàng Trung Quốc(?).

    Lãi lớn nên nhiều người ham

    Quan sát của phóng viên cho thấy, hiện trên thị trường đang có vô số những loại rau củ trái mùa được bày bán. Đó là những thứ rau củ đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa đến vụ thu hoạch như khoai tây, hành tây, cà rốt, cải thảo...  Tuy nhiên, tiểu thương vẫn một mực khẳng định với người mua đây là hàng Việt Nam!?

    Khi thấy chúng tôi đang băn khoăn vì muốn mua khoai tây về chiên cho con nhỏ ăn nhưng e ngại hàng Trung Quốc, chủ một cửa hàng bán rau tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) trấn an: “Chị yên tâm đi, toàn hàng Việt Nam hết. Bây giờ cái gì mình cũng trồng được quanh năm. Ngoài Bắc không trồng được thì trong Nam trồng được. Hàng Trung Quốc giờ có ai ăn đâu mà nhập về”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tỏi Trung Quốc mua sỉ dưới 15.000 đồng/kg, nhưng khi gắn mác Việt thì được bán lẻ với giá từ 30.000- 40.000 đồng/kg; hành cũng được bán với giá 50.000 đồng/kg; hành tây 18.000 đồng/kg... Nghĩa là tiểu thương sẽ ăn lãi gấp đôi, gấp ba số vốn bỏ ra.

    Ông Nguyễn Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo: “Tốt nhất là người tiêu dùng nên mùa nào thức nấy để tránh ăn phải hàng Trung Quốc kém chất lượng. Tuyệt đối không tham rẻ, ham mẫu mã đẹp để dính bẫy gian thương”. Theo ông Nguyệt: “Hiện sản phẩm nông nghiệp an toàn mới chỉ dừng lại ở hô hào, chưa quy trách nhiệm nên đó là kẽ hở để gian lận thương mại lợi dụng khai thác mà mình không quản lý được. Các quy định có quá nhiều nhưng không cụ thể, nên gian thương lợi dụng để trục  lợi, gây nguy hiểm cho người dân”.

    Một số chuyên gia được hỏi cũng cho biết, cái khó nhất hiện nay là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chỉ được phát hiện sau khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra gắt gao kết hợp lời khai của các đối tượng vận chuyển, còn khi đã lưu thông ra thị trường thì rất khó kiểm soát. Trong khi đó, con số hàng hoá giả mạo hàng Việt Nam phát hiện được cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong lượng hàng hoá không được kiểm soát về chất lượng, đang trôi nổi trên thị trường.

    Cách phân biệt rau “đội lốt”

    “Súp lơ Trung Quốc thường bị cắt hết phần cuống và lá, màu trắng phau, bông cuốn rất chặt, tươi ngon bắt mắt, trong khi hàng Việt Nam thì thường còn nguyên lá, phần bông chia không đều, dễ bị thâm sạm nếu để qua đêm. Với khoai tây, hàng Trung Quốc củ vàng sậm, to đều, căng bóng, vỏ dầy, ít bị trầy xước vỏ, còn khoai tây Việt Nam thường cho củ không đều, vỏ dễ bị trầy xước, thâm sạm”.     Bà Minh, chủ quầy rau ở phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội



    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giat-minh-quy-trinh-bien-rau-trung-quoc-thanh-rau-noi-a68718.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan