Đêm giao thừa, ngõ làng tối om, khi tiếng pháo khắp làng dần lắng lại, rồi có tiếng gà giật mình gáy sang canh cũng là lúc anh em tôi đã thiếp đi trong những giấc mơ hồng tuổi nhỏ.
Tôi không biết lý giải thế nào về nỗi nhớ lạ kỳ ấy. Chỉ biết có nhiều đêm nằm, nghĩ mãi về những kỷ niệm ngày thơ ấu rồi ứa nước mắt, tự dưng thèm gọi một tiếng: Tuổi thơ ơi…
Tuổi thơ tôi gắn với biết bao nhiêu kỷ niệm. Vui có, buồn có, vừa trong trẻo, hồn nhiên vừa mặn mòi, đói khát. Tất cả hòa quyện tạo nên một thứ dư vị để tôi tin rằng rồi mai đây, dẫu có đi đến chân trời, góc bể tôi vẫn thèm khát mãi không thôi.
Trong cái chuỗi ký ức bồi hồi, chuỗi nhớ tiếc khôn nguôi ấy, những hình ảnh về ngày Tết tuổi thơ, về không khí thiêng liêng những đêm bao giờ cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất. Tôi yêu Tết và thèm khát cái hương vị ngày Tết chẳng khác gì một đứa trẻ chờ quà chợ mẹ mang về mỗi buổi sáng mai: Háo hức, tò mò và sung sướng đến kỳ lạ.
Tôi yêu Tết và thèm khát cái hương vị ngày Tết chẳng khác gì một đứa trẻ chờ quà chợ mẹ mang về mỗi buổi sang mai: Háo hức, tò mò và sung sướng đến lạ kỳ. |
Tết quê những ngày đói trong ký ức của tôi là tiếng trống hội vật làng bên văng vẳng ở đâu xa, là dáng cha tôi ngồi khoanh chân chẻ lạt, gói bánh giữa sân nhà, là dáng mẹ tôi lo toan nặng trĩu, là những đêm giao thừa lặng lẽ, linh thiêng… Năm nào cũng vậy, cứ đến sáng 30 tháng Chạp, tôi lại lẽo đẽo theo mẹ đi chợ quê. Mẹ đi đến đâu tôi lại lần bước chân, túm vạt áo mẹ đi theo đến đấy. Cảm giác sợ lạc mất mẹ giữa cái ồn ào, náo nhiệt của chợ quê như còn mãi đến hôm nay, để rồi có một chàng trai đã đi qua tuổi ba mươi, mỗi lần đi xa về vẫn nôn nao tìm hơi ấm mẹ.
Chợ quê những ngày giáp Tết như bừng sống dậy. Tấp nập người bán, kẻ mua. Nhiều lắm những sắc màu, vui lắm những âm thanh vừa thân quen vừa mới lạ. Người ta nói phải, ở những vùng quê nghèo, phiên chợ vui nhất là phiên chợ cuối năm.
Chập tối đêm giao thừa, anh em chúng tôi ngồi co chân trong căn bếp hẹp. Trên chiếc kiềng ba chân cũ kĩ là nồi chè quế thơm lừng của mẹ. Những khúc gỗ tre từ những ngày đầu đông đã được chất đầy một góc. Củi cháy, bụi than bay lên như pháo hoa. Cha tôi lúi húi làm thịt con gà trống tơ để thắp hương cúng tổ tiên, ông bà. Năm nào cũng vậy, giờ phút chờ mong nhất với những đứa trẻ quanh năm đói như chúng tôi là lúc đĩa xôi, con gà được hạ xuống. Cha thắp thêm một tuần hương tạ lễ đất trời.
Mỗi năm giao thừa mỗi khác. Tôi nhớ có năm rét đậm, chưa tới giao thừa là anh em tôi đã leo lên giường nằm quấn lấy nhau. Những chiếc chăn mỏng mảnh, vá víu không đủ ấm. Lại có năm, sương muối, gà chết cả đàn. Nhà tôi chỉ còn một con gà mái ghẹ. Đêm giao thừa, anh em chúng tôi chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy cha tôi… ý kiến gì. Còn mẹ, dường như muốn xoa dịu sự chờ đợi của các con nên dịu dàng: “Để sang năm gà còn đẻ trứng con ạ”. Vậy là năm ấy, nhà tôi cúng giao thừa bằng bánh mật. Tôi ăn không ngon nhưng nhớ mãi…
Đêm giao thừa, ngõ làng tối om. Cánh cửa nhà tôi mở rộng đón hương xuân, ánh sáng ngọn đèn dầu tỏa lan ra ngoài sân. Nhìn vào đêm sâu vẫn thấy lất phất những hạt mưa phùn ngày Tết. Khi tiếng pháo khắp làng dần lắng lại, rồi có tiếng gà giật mình gáy sang canh cũng là lúc anh em tôi đã thiếp đi trong những giấc mơ hồng tuổi nhỏ. Hình như trong thoang thoảng cơn mơ, tôi vẫn thấy cha tôi trở mình, tôi vẫn nghe thấy tiếng bước chân người nhẹ nhàng đi lại. Bàn thờ đêm giao thừa không bao giờ lụi tắt khói hương.
Bây giờ cha tôi không còn nữa. Mẹ tôi cũng đã già!
Và mỗi lần nhìn con thơ dại, tôi lại ước gì mình được trở về bé nhỏ như xưa…
Khương Đặng