tại 4 xã thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Cho tới khi cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc, hành vi khuất tất trên mới được đưa ra ánh sáng, ông Long và thuộc cấp phải tra tay vào còng số tám.
“Bàn tay ma thuật”, không có dê vẫn… quyết toán
Đại diện Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi tham ô tài sản đối với: Thân Văn Long (SN 1958), Giám đốc công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang (doanh nghiệp hơn 90% vốn Nhà nước); Nguyễn Xuân Hậu (SN 1969), Phó Giám đốc công ty và Trinh Văn Trung (SN 1965), cán bộ của công ty. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an tỉnh Bắc Giang) cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 bị can trên.
Trước đó, thực hiện dự án khuyến nông Trung ương, thời điểm năm 2013-2014, viện Chăn nuôi thuộc bộ NN&PTNT triển khai dự án chăn nuôi dê, cừu sinh sản tại 4 xã khó khăn thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, gồm: Hộ Đáp, Sa Lý, Phong Minh, Cấm Sơn. Dự án này sẽ cấp miễn phí dê giống cho những hộ tham gia dự án để thực hiện mô hình. 30 hộ dân đã được lựa chọn tham gia. Nếu đúng quy định, mỗi hộ sẽ được cấp miễn phí 5 con dê cái và mỗi xã sẽ được cấp một con dê đực để phối giống.
Thời điểm đó, giá mỗi con dê đực khoảng 7,5 triệu đồng và giá mỗi con dê cái khoảng 4,6 triệu đồng. Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện dự án này. Tuy nhiên, điều bất ngờ là, tất cả 30 hộ nông dân thuộc 4 xã khó khăn trên không hề nhận được bất kỳ con dê giống nào từ dự án. Thay vào đó, ông Thân Văn Long, Giám đốc công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang đã chỉ đạo thuộc cấp hỗ trợ cho dân bằng tiền mặt từ 1-2,5 triệu đồng/đầu dê đực và 500-700 nghìn đồng/đầu dê cái.
Ảnh minh họa. |
Qua mặt cả chính quyền địa phương?!
Sau khi cấp tiền mặt cho các hộ dân, ông Long đã thông đồng với thuộc cấp lập chứng từ cung cấp dê khống, hồ sơ quyết toán khống, rút số tiền chênh lệch giữa giá dê thực tế và khoản tiền thực cấp cho nông dân, tổng giá trị trên 600 triệu đồng.
Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Một cán bộ PC46 cho biết, mục tiêu của dự án trên là xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản, giúp nhân dân vùng khó khăn học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật để áp dụng cho hộ gia đình mình, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, khi dự án được triển khai, người dân tham gia dự án không hề hay biết mình đã bị ăn chặn tiền. Đúng ra, các hộ phải được nhận dê giống miễn phí nhưng lại nhận một số tiền tượng trưng, thấp hơn giá trị thực của mỗi con dê. Ngay cả chính quyền địa phương cấp xã cũng không biết mình bị cán bộ của công ty CP Giống chăn nuôi Bắc Giang qua mặt. Họ chỉ nghĩ dự án triển khai, hỗ trợ tiền đúng như thế và hướng dẫn người dân làm các thủ tục.
Cho đến khi, Cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, thu thập tài liệu, thì chính quyền và các hộ dân mới biết. Thậm chí, đến thời điểm này, một số hộ dân vẫn còn chưa hiểu hết về dự án này. Vì vậy, vị cán bộ PC46 khuyến cáo, đối với chính quyền địa phương, khi có dự án nào về triển khai trên địa bàn thì phải kiểm tra, kiểm soát kỹ trước khi phối hợp thực hiện.
Hiện, PC46 đang mở rộng điều tra vụ án để làm rõ, xem xét xử lý trách nhiệm của những người có liên quan, sớm kết luận, đề nghị truy tố các bị can trước pháp luật.
HƯỜNG - PHƯƠNG
[mecloud]uGtuKwtEpg[/mecloud]