Giá vàng “lên đồng” sau các phiên đấu thầu
Báo Người lao động đưa tin, theo thông báo của NHNN, khối lượng đấu thầu trong phiên sáng nay vẫn là 16.800 lượng nhưng khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt giảm còn 5 lô, tức 500 lượng, thay vì mức 700 lượng của phiên thứ 5 và 1.400 lượng của 4 phiên đầu tiên.
Riêng giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc vẫn khá cao, lên tới 88 triệu đồng. Tuy nhiên, NHNN cho biết giá này chỉ phục vụ việc tính đặt cọc.
Một số doanh nghiệp, ngân hàng thương mại cho biết họ đủ điều kiện dự thầu nhưng đã giảm bớt sự quan tâm vào các phiên đấu thầu, bởi dù khối lượng đấu thầu tối thiểu đã hạ chỉ còn 500 lượng nhưng giá tham chiếu để tính giá đặt cọc và giá khởi điểm trong những phiên vừa qua vẫn rất cao, cao hơn giá họ mua từ thị trường.
"Nếu cứ để giá cao sẽ rất khó để hạ nhiệt thị trường. Thực tế thị trường gần đây có vẻ giảm bớt sự quan tâm vào các phiên đấu thầu, vì nguồn cung ra không nhiều như kỳ vọng. Nhiều người chỉ nhìn vào giá trúng thầu để kỳ vọng giá vàng sẽ giảm hay còn tăng tiếp, từ đó làm cơ sở để mua bán", lãnh đạo một công ty vàng phân tích.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC trong ngày 13/5 tiếp tục biến động mạnh. Trong buổi sáng, giá rớt mạnh còn 85,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 88,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Điều này có nghĩa những người mua vàng miếng SJC ở mức giá 92,4 triệu đồng/lượng vào tuần trước nếu bán ra sẽ lỗ đến 7 triệu đồng.
Tuy vậy, thị trường không xuất hiện áp lực bán ra mà ngược lại, nhiều người tranh thủ giá giảm để tiếp tục mua vào. Nhu cầu gia tăng khiến giá vàng miếng đảo chiều, tăng trở lại mức 87,5 triệu đồng/lượng mua vào, 90 triệu đồng/lượng bán ra và duy trì cho đến hết cuối ngày. Nhiều người đã tiếc vì không kịp mua ở mức giá thấp nhất nên đành chấp nhận "ôm vào" ở mức giá trên 90 triệu đồng/lượng.
Ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC - Hà Nội), xác nhận khi giá vàng miếng SJC rớt xuống 88,5 triệu/lượng, lượng khách mua vào nhiều hơn bán. "Bao nhiêu vàng miếng thu vào của khách lẻ, chúng tôi đều bán sạch trong ngày. Riêng các đầu mối lớn chào bán vàng miếng SJC cho công ty với giá ngang bằng với giá bán thị trường nhưng chúng tôi không "ôm" hàng vì lo ngại thị trường biến động khó lường”, ông Đang nói.
Theo chủ một tiệm vàng ở TP.HCM, sau những thông tin về thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, sức mua vàng của người dân vẫn không giảm mạnh, trong khi người bán ra ngày càng ít nên giá vàng miếng SJC giảm trong thời gian ngắn rồi bật tăng trở lại.
Cần cân nhắc kỹ
Báo Lao động dẫn lời TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng, đấu thầu vàng không phải là chuyện mới. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng, cung ứng gần 70 tấn vàng ra thị trường.
Theo ông Lực, lần này, Ngân hàng Nhà nước cũng đang cho vận hành nghiệp vụ này trở lại nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế để qua đó giảm chênh lệch giữa trong nước và quốc tế cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác.
Nói về giải pháp để bình ổn thị trường vàng, TS. Cấn Văn Lực nhận định, trước hết là cần phải cho phép tăng lượng cung vàng để phù hợp với thị trường Việt Nam và nhu cầu của người dân và các gia đình ở Việt Nam. Bằng cách cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, tiêu chí đáp ứng điều kiện để có thể nhập khẩu vàng vào Việt Nam.
Thứ hai là phải loại bỏ thương hiệu quốc gia độc quyền SJC, bởi thương hiệu này cũng không khác nhiều so với các thương hiệu khác, nhưng chênh lệch giá so với các thương hiệu khác khá cao. Điều này đã tạo ra một giá trị ảo cho bản thân thương hiệu SJC.
Nhấn mạnh về việc tăng giá “ảo” của vàng SJC, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nếu tăng lượng cung vàng, giá vàng Việt Nam sẽ về sát hơn với giá vàng thế giới vì nhu cầu mua vàng hiện tại đã giảm hơn so với trước đây rất nhiều. Trong đó, nhu cầu đầu cơ giảm mạnh, hiện chủ yếu là nhu cầu tích trữ, tích cóp và thừa kế.
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường khâu phối kết hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan, bộ ngành khác nhau để kiểm tra, đánh giá, giám sát thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Ngoài ra, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, để vừa chống buôn lậu vàng, cũng như việc đảm bảo cung – cầu để thị trường vàng liên thông tốt hơn nữa trong thời gian tới.
"Tôi nghĩ nếu chúng ta tháo gỡ được những điểm này thì về cơ bản việc vận hành, quản lý thị trường vàng sẽ tốt hơn trong thời gian tới", ông Lực chia sẻ.