(ĐSPL) - Giá như nhà mình có một chiếc xe đạp để mẹ đưa con đi học thì hay biết mấy, ngày nào mẹ cũng cõng con đi học qua mấy ngọn đồi, con thương mẹ lắm.
Thiên thần nhỏ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo
Có mặt tại viện Huyết học Trung ương trong một ngày đầu hè oi ả, chúng tôi tìm đến hoàn cảnh của bé Nguyễn Thị Kim (6 tuổi, trú tại thôn Thống Nhất, xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), thiên thần nhỏ mang trong mình căn bệnh quái ác, chứng huyết tán bẩm sinh, khiến bé có thể lìa xa cõi đời bất cứ lúc nào.
|
Bé Nguyễn Thị Kim (6 tuổi, trú tại thôn Thống Nhất, xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). |
Cô bé với đôi mắt trong trẻo, gương mặt đượm buồn đầy tâm trạng, bé cúi mặt ngại ngùng mỗi khi chúng tôi đưa ánh nhìn. Ít ai biết rằng, thiên thần nhỏ chưa tròn 6 tuổi này đã phải hứng chịu bao nhiêu nỗi đau, sự mất mát từ căn bệnh huyết tán bẩm sinh đem đến.
Chị Nguyễn Thị Phượng (42 tuổi, mẹ ruột bé Kim) cho biết: “Khi Kim được 8 tháng tuổi, gia đình chúng tôi phát hiện bé mắc chứng huyết tán bẩm sinh. Kể từ đó, thời gian chính của Kim là làm bạn với giường bệnh. Cứ dăm bữa nửa tháng tôi lại bồng con lên viện tỉnh chạy chữa. Vì nhà không có tiền nên chỉ truyền máu cho bé được vài ngày, hết tiền hai mẹ con lại bồng bế nhau ra về.”
Chia sẻ về các thành viên trong gia đình, chị Phượng ngậm ngùi: “Gia đình tôi có 3 cháu, cháu lớn là Nguyễn Thị Nguyệt đang học lớp 11. Cháu thứ hai là Nguyễn Văn Nhất (sinh năm 2005) đã mất năm 2011 do căn bệnh huyết tán bẩm sinh. Năm 2009, vợ chồng tôi sinh thêm cháu Kim, ngờ đâu bé tiếp tục được chuẩn đoán mắc căn bệnh như anh trai Văn Nhật”.
|
Bé cúi mặt ngại ngùng mỗi khi chúng tôi đưa ánh nhìn. |
“Ngày nhận tin dữ về con, tôi và chồng ngất lên ngất xuống, suy sụp, đau đớn vì nỗi bất hạnh sao cứ đổ dồn về gia đình mình . Bé Văn Nhật mắc căn bệnh này đã khiến gia đình tôi khánh kiệt, bao nhiêu hy vọng được dồn vào Kim thì bé cũng lại mắc chứng bệnh huyết tán. Việc chăm hai con nhỏ lâm bạo bệnh khiến gia đình tôi ngày càng sa sút, chồng tôi anh Nguyễn Văn Duẩn (46 tuổi) vì quá đau buồn nên phát bệnh động kinh 4 năm nay. Bây giờ kinh tế gia đình đổ dồn vào một mình tôi”, chị Phượng rưng rưng nước mắt tâm sự.
[mecloud]HP3on1kg1P[/mecloud]
Bé Kim đang được mẹ chăm sóc.
Căn bệnh của bé Kim đòi hỏi phải truyền máu suốt đời mới mong giữ lấy tính mạng, nhưng vì gia đình không có tiền, chị Phượng chỉ cho cháu đi viện tỉnh truyền máu khi nào bé quá mệt.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, chị Phượng cho biết: “Chồng tôi phát bệnh động kinh 4 năm nay nên không giúp đỡ được gì. Tôi một mình làm nương, cày ruộng nuôi 4 miệng ăn. Căn nhà cấp 4 của gia đình tôi không có đồ đạc gì đáng giá vì bao nhiêu đã đổ dồn cho con gái chữa bệnh”.
Giá như nhà mình có một chiếc xe đạp
“Những năm đầu, cứ hai tháng tôi lại đưa cháu lên viện tỉnh Thanh Hóa truyền máu, nhưng thời gian trở lại đây, bệnh tình của cháu ngày một nặng. Các bác sỹ nói rằng nếu không đưa cháu lên viện Trung ương chữa trị thì tính mạng của cháu sẽ không giữ được. Dù không có tiền tôi vẫn cố gắng vay mượn họ hàng đưa bé lên Hà Nội chữa trị hàng tháng.”, chị Phượng cho hay.
Từ tháng 7/2014, chị Phượng bắt đầu đưa bé Kim lên bệnh viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chữa trị. Khoảng thời gian đó, mỗi lần đi, chị cố gắng bòn mót hai triệu để mang lên chăm cháu. Nhưng từng ngày, số tiền đó ít dần, xuống còn 1 triệu rưỡi, 1 triêu…
Lần này đưa con lên Hà Nội, chị Phượng chỉ mang theo 700 nghìn đồng. Sau một ngày đóng viện phí, trong người chị chỉ còn 12.000 đồng.
|
Lách bé đang bị to, gan có dấu hiệu to nhẹ. |
Trưa hôm đó, chị mua một xuất cơm 15.000 đồng cho bé Kim (số tiền này chị vay từ một người giường bệnh bên cạnh), chị đợi con ăn xong rồi dùng lại chút cơm thừa. 12.000 đồng còn lại, chị dành số tiền này cho bé Kim ăn bữa tối.
Tâm sự về cô con gái xinh xắn, đáng yêu của mình, chị Phượng cho biết: “Lên đây gặp người lạ nên bé ngại không cười, còn ở nhà cháu cũng hoạt ngôn lắm. Hay cười, hay nói”.
Có lần Kim tâm sự với mẹ: “Giá như nhà mình có một chiếc xe đạp để mẹ đưa con đi học thì hay biết mấy, ngày nào mẹ cũng cõng con đi học qua mấy ngọn đồi, con thương mẹ lắm”. Có hôm bé lại mơ rằng: “Con ước mình được làm bác sỹ để tự chữa bệnh cho mình, chữa bệnh cho những bạn mắc bệnh như con”…
Các bác sỹ viện viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chuẩn đoán, bé Nguyễn Thị Kim mắc chứng tan máu bẩm sinh, lách cháu đang bị to, gan có dấu hiệu to nhẹ, cháu được chuẩn đoán thời gian tới sẽ phải mổ nếu không nguy hiểm đến tính mạng.
“Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh hai mẹ con phải lìa xa, lòng tôi như thắt lại. Thời gian sắp tới, không biết tôi sẽ lấy đâu ra tiền để chữa trị và mổ cho con. Nhưng dù có tốn kém bao nhiêu, dù có phải bán đất, bán nhà tôi cũng cố gắng chữa trị cho cháu”. Chị Phượng nghẹn ngào.
Tối nay, chẳng biết có quán ăn nào sẵn sàng bán có hai mẹ con chị Phượng xuất cơm 12.000 đồng, chẳng biết ngày mai, ngày kia… chị và bé sẽ sống thế nào giữa thủ đô đắt đỏ. Hơn bao giờ hết, Kim cần sự quan tâm của cộng xã hội, những tấm lòng hảo tâm che chở cho cuộc đời bất hạnh.
Mọi tấm lòng hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Phương, trú tại thôn Thống Nhất, xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Số điện thoại: 01628411827. Hoặc sô tài khoản Agribank Tràng An: 1305205196760, chủ tài khoản chị Nguyễn Thị Phương. |
XUÂN TÙNG
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-nha-minh-co-xe-dap-de-me-khong-phai-cong-con-di-hoc-a93619.html