Cả ngàn lò sấy thuốc lá ở khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đang mở hết công suất cho kịp tiến độ vụ thu hoạch thuốc lá, cùng với đó là từng đoàn xe công nông, bò kéo, thậm chí xe máy đang oằn mình chở gỗ, củi lén lút rời bìa rừng tiến về phía miệng lò…
Vụ thuốc lá 2013 - 2014, khu vực Đông Nam Gia Lai trồng được trên 3.890 ha thuốc lá, trong đó tập trung ở các địa phương như: huyện Krông Pa có 2.540 ha, huyện Ia Pa có gần 1.000 ha và thị xã Ayun Pa 350 ha. Năng suất dự kiến đạt 2,7 tấn thuốc lá khô/ha, ước tổng sản lượng khoảng 10.500 tấn thuốc lá sấy khô.
Hầu hết lò sấy thuốc lá đều tích trữ 1 đống củi, gỗ cao ngất để làm chất đốt. Ảnh: T.Đ |
Lâu nay, tất cả các doanh nghiệp ký hợp đồng đầu tư cho nông dân trồng thuốc lá trên địa bàn đều có thỏa thuận thu mua thuốc lá đã sấy khô. Vì thế để đáp ứng nhu cầu sấy thuốc, người trồng thuốc lá vùng Đông Nam tỉnh đã xây dựng hơn 1.000 lò sấy (bình quân ít nhất 2 ha thuốc lá/1 lò sấy).
Theo công nghệ sấy thuốc lá hiện người dân đang áp dụng thì cứ một mẻ sấy thuốc vẫn phải đốt bằng củi 2 ngày đầu khi lá thuốc còn tươi, yêu cầu ngọn lửa phải to để có nhiệt độ cao; 3 ngày tiếp theo mới chuyển sang sấy bằng trấu để giữ nhiệt độ vừa phải cho lá thuốc chuyển sợi vàng. Và để có củi cung cấp cho các lò sấy này hoạt động, người dân không còn cách nào khác là lén lút vào rừng chặt trộm gỗ, củi về làm chất đốt, mặc dù biết rằng việc làm này đang bị cấm đoán…
Vì thế vào thời gian này đi dọc quốc lộ 25 đoạn từ cầu Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, xuống thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa(Gia Lai) hoặc rẽ qua tỉnh lộ 662 đi vào xã Pờ Tó, huyện Ia Pa(Gia Lai) thường bắt gặp các xe bò, xe tải chở củi, gỗ rời khỏi bìa rừng tiến về phía các lò sấy thuốc lá.
Ghé vào bất kỳ lò sấy thuốc lá nào ở khu vực xã Ia Trôk, huyện Ia Pa; xã Ia Sao, Ia Rtô, thị xã Ayun Pa và một loạt xã ở huyện Krông Pa đều thấy gia chủ tích trữ một đống gỗ lẫn củi cao ngất ngưởng bên cạnh một ngọn núi trấu để làm chất đốt.
Ngay trước cổng trụ sở UBND xã Phú Cần, huyện Ia Pa có một đống củi, lẫn gỗ được xếp ngay ngắn tập kết bên miệng lò sấy thuốc lá. Nhìn sơ qua nhiều đống cây rừng được người ta gọi là “củi” ấy thì thấy phần nhiều là các thân gỗ tròn đường kính từ 10 cm đến 20 cm được cắt thành đoạn tầm 1,2 mét. Trong đó, phần lớn là gỗ dầu, bằng lăng, thậm chí có cả gỗ cà chít, căm xe… “Gỗ càng chắc thì khi cho vào lò đốt ngọn lửa sẽ càng đượm, lâu tàn, giữ nhiệt tốt hơn”-một chủ lò ở xã Phú Cần, huyện Krông Pa tiết lộ.
Chở gỗ về làm chất đốt tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Ảnh: T.Đ |
Trưa 13/2, trên đường đi công tác Krông Pa về, tới chân đèo Tô Na, chúng tôi bắt gặp một xe cộ bò chất đầy củi và các thân gỗ cháy lém sém từ trong rừng ra núp sau lùm cây sát quốc lộ 25. Ghé lại tránh nắng rồi hỏi chuyện, anh Ksor Huên - chủ xe cộ bò nói: “Phải chờ đến quá trưa hoặc sẩm tối khi ít người qua lại mới chở về được, nếu về sớm hơn gặp phải cán bộ, kiểm lâm, bị bắt là công toi”.
Làm nghề đi rừng nhiều năm, anh Huên rút ra kinh nghiệm đó để đối phó với lực lượng chức năng nên theo anh tiết lộ là “mình chưa lần nào bị bắt!” Anh Huên cho biết thêm, thường anh đánh xe vào rừng từ sáng sớm, chặt gỗ, củi chất sẵn bên đường mòn, chờ đến tầm giữa trưa và xẩm tối mới bắt đầu chở về. Mỗi xe củi rừng như vậy chừng 1 ster khi chở về tới lò sẽ bán được giá từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, tùy theo mật độ thân cây gỗ trong đống củi nhiều hay ít. “Thường cứ trước khi vào mùa thu hoạch thuốc lá cỡ một tháng là đến mùa đi chặt củi bán cho lò sấy thuốc lá. Mấy năm trước mỗi ngày chặt được ba bốn xe, nhưng giờ vì lò sấy mọc lên nhiều, nhu cầu củi tăng, có nhiều người đi chặt nên chỉ được hai xe là cùng”, anh Huên nói.
Đoàn xe chở gỗ từ rừng về lò sấy thuốc lá. Ảnh: T.Đ |
Vài năm trở lại đây, cây thuốc lá và cây mì được giá nên người dân vùng Đông Nam tỉnh thi nhau chặt bỏ cây điều để trồng thuốc lá và mì. Vùng trọng điểm điều có lúc lên đến hàng ngàn ha của huyện Krông Pa giờ chỉ còn lại một số ít vườn điều cằn cỗi, ít được chăm sóc. Thân cây điều bị chặt hạ đã nhanh chóng bị nướng hết vào các lò sấy thuốc lá.
Hết củi điều, người ta lại tìm cách lên rừng đốn gỗ về làm chất đốt vì diện tích cây thuốc lá của huyện Krông Pa và Ia Pa thì mỗi năm lại tăng lên vài trăm ha ở mỗi huyện. Và tỷ lệ nghịch với điều này là các khoảng trống trên mỗi cánh rừng lại xuất hiện nhiều hơn. Minh chứng dễ thấy nhất là hình ảnh những đám rừng dần biến mất theo dạng da báo ở dưới chân đèo Tô Na.
Lý giải cho điều này, ông Bùi Đức Việt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa cho rằng, đơn vị đã nhiều lần cử cán bộ phối hợp với chính quyền xã vào tận nhà để vận động, ký cam kết với các chủ lò thuốc lá không sử dụng củi gỗ làm chất đốt.
Tuy nhiên, hiện tại người dân chưa có phương pháp sấy thuốc lá nào khác ngoài việc dùng củi dẫn lửa hỗ trợ cho đốt bằng trấu nên tình trạng tích trữ củi làm chất đốt vẫn tiếp diễn. “Một số chủ lò thuốc lá lý giải là họ nhặt nhạnh các cây củi quanh hàng rào của vườn, rẫy sản xuất đem về làm chất đốt nên cũng khó xử lý”, ông Việt nói.
C.P(theo GLO)