Báo Công Thương dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 5,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng tháng 8, xuất khẩu gạo đạt 921.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 546,4 triệu USD, tăng mạnh 39,5% về lượng, tăng 50,7% về kim ngạch so với tháng trước.
Tháng 8 cũng là tháng có lượng gạo xuất khẩu cao thứ 3 từ trước tới nay, trong khi đó, trị giá xuất khẩu bình quân (đạt 593 USD/tấn) cao nhất kể từ tháng 1/2022 trở lại đây.
ASEAN và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Tính riêng lượng gạo xuất sang 2 thị trường nêu trên đạt 4,28 triệu tấn, chiếm 74% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 3,49 triệu tấn, tăng 27,6%; sang thị trường Trung Quốc đạt 786.000 tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 613-617 USD/tấn và gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598-602 USD/tấn. Nếu so với cuối tháng 8.2023 thì mức giá xuất khẩu này đã giảm khoảng 22 USD đến 30 USD/tấn.
Đáng chú ý, không chỉ gạo Việt Nam mà gạo xuất khẩu của Thái Lan, Pakistan cũng giảm về mức 611 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 608 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.
Theo thông tin trên báo Lao động, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến giá gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh là do cầu giảm.
Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất Việt Nam đang mua hàng chậm lại vì thương nhân đang chờ Chính phủ chốt phương án giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 35% xuống 10% như đề xuất.
Tuy nhiên, bà cho rằng, giá gạo tuy có giảm so với giá đỉnh nhưng vẫn ở mức cao. Ví dụ, gạo 5% tấm hiện nay có giá cao hơn so với trước ngày 20.7, thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu. Đây vẫn là mức giá rất tốt. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao.
Đại diện Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, tín hiệu nguồn cung dần ổn định trở lại là yếu tố chính khiến giá gạo Việt Nam "hạ nhiệt" trong 2 tuần trở lại đây.
Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ mới đây cho biết, lệnh cấm xuất khẩu đã giúp quốc gia này đảo bảo nguồn cung đầy đủ với các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mì.
Các quốc gia tiêu thụ lớn cũng đã tích cực thu mua trong giai đoạn trước đó nhằm bổ sung dự trữ cần thiết đối với mặt hàng lương thực thiết yếu này. Tại Indonesia, Chính phủ đã tăng cường nhập khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh chính phủ đặt mục tiêu bổ sung dự trữ đối với mặt hàng thiết yếu này.
Cơ quan Thống kê Indonesia báo cáo, nước này đã nhập khẩu 1,59 triệu tấn gạo trong 8 tháng đầu năm nay, tăng vọt so với mức 237.146 tấn cùng kỳ năm ngoái. Hơn một nửa trong số này có nguồn gốc từ Thái Lan. Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn thứ 2 cho Indonesia trong giai đoạn này với 674.000 tấn.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng tới, nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo cũng sẽ bước vào cao điểm mùa thu hoạch, dự báo sẽ cung cấp lượng lớn nguồn cung ra thị trường.
Trong khi đó, việc giá gạo neo cao ở mức kỷ lục trong giai đoạn vừa qua cũng đã làm hạn chế lực mua đối với mặt hàng này. Các nhà nhập khẩu hiện cho thấy tâm lý rất thận trọng trong quyết định ký các hợp đồng mới, đồng nghĩa với việc một lượng hàng nhất định vẫn “nằm yên” trong tay nông dân và doanh nghiệp.
Một yếu tố khác khiến giá gạo "hạ nhiệt" là vì Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới có khả năng giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này. Điều này cũng kéo giá gạo xuất khẩu giảm theo.
Tuy nhiên, theo nhận định của MXV, trong ngắn và trung hạn, nhiều quốc gia tiêu thụ vẫn cần đẩy mạnh nhập khẩu gạo để bổ sung vào kho dự trữ.
Đây sẽ là yếu tố kiềm chế đà giảm của giá gạo. Riêng tại Việt Nam, tính đến hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt gần 6 triệu tấn, trị giá gần 3,2 tỷ USD. Hiện tại, lượng gạo xuất khẩu ước tính chỉ còn hơn 1 triệu tấn.
Theo MXV, giá gạo Việt Nam tiếp tục duy trì mức cao so với Thái Lan và cao nhất thế giới.
Vân Anh(T/h)