+Aa-
    Zalo

    Giá gạo xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào bởi lệnh áp trần của Philipines?

    (ĐS&PL) - Lệnh áp trần giá gạo Chính phủ Philipines đưa ra hôm 31/8 được cho là tác động không nhỏ đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.

    Báo VnExpress dẫn số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 6 - 7/9, giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm mạnh.

    Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 628 USD/tấn, giảm 15 USD so với phiên 5/9. Tương tự, gạo 25% tấm cũng giảm 15 USD về mức 613 USD/tấn. Đây là 2 phiên giảm liên tiếp mạnh nhất kể từ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

    gia gao xuat khau viet nam bi anh huong nhu the nao tu lenh ap tran cua philipines 2
    Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh. Ảnh: Vietnamnet

    Nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu quay đầu giảm được cho là lệnh áp trần giá gạo của Philippines - nước tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Thống kê trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu gần 1,94 triệu tấn gạo sang nước này, chiếm gần 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta.

    Trước đó, ngày 31/8, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã thiết lập trần giá gạo ở mức 41 peso/kg (tương đương 0,72 USD) đối với gạo xay xát thường và 45 peso/kg (tương đương 0,79 USD) với gạo xay xát tốt, tương đương 720 - 800 USD một tấn . Áp lệnh được đưa ra do giá bán lẻ trong nước của Philippines tăng nhanh và có tình trạng đầu cơ.

    Về phía thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) - đơn vị xuất khẩu gạo nằm trong top 10 cho biết, sau thông tin trên, doanh nghiệp bị một số đối tác nhập khẩu từ Philippines xin hủy tàu, số khác giãn hợp đồng trong quá trình chờ quyết định mới của nước này.

    Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở An Giang cho hay từ đầu tháng 9 (sau 1 ngày xuất hiện lệnh áp giá trần của Philippines), 40% các nhà nhập khẩu ở quốc gia này đã xin hủy hợp đồng mua gạo từ công ty ông. Bởi các nhà nhập khẩu này cho biết càng bán họ sẽ càng lỗ.

    Cụ thể, hiện mức giá mua gạo tại kho của Việt Nam khoảng 640 - 670 USD/tấn, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển, giá lên tới 900 USD/tấn. Trong khi đó, Philippines áp giá trần khoảng 738 - 810 USD/tấn, thấp hơn giá nhập khẩu.

    "Các đối tác Philippines nói nếu các hợp đồng giá gạo trên 660 USD/tấn họ xin hủy, còn dưới giá này sẽ giao chậm lại", ông cho hay.

    Trước đó, nhiều doanh nghiệp ở An Giang, Cần thơ cũng đã đàm phán với phía đối tác nhập khẩu nước này đề nghị mức giá 680 - 700 USD/tấn nhưng không nhận được sự đồng tình.

    Các doanh nghiệp cho biết tạm thời xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ chậm lại, nhưng nhu cầu mua gạo của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi vẫn cao. Do đó, họ cho rằng giá gạo xuất khẩu có thể sớm tăng trở lại trong thời gian tới.

    Trong khi đó, ở thị trường trong nước, giá gạo nội địa đang cao hơn nhiều so với giá xuất khẩu. Dữ liệu từ VFA, giá gạo trong nước tuần cuối tháng 8 (từ ngày 25 - 31/8) tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 79 - 254 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, mỗi kg gạo lứt loại 1 giá 12.646 đồng, gạo xát trắng loại 1 ở mức 14.750 đồng, gạo 5% tấm là 14.564 đồng, gạo 15% tấm khoảng 14.333 đồng và loại 25% tấm giá 14.033 đồng.

    Các thương lái cho biết, nguyên nhân khiến giá lúa gạo ở thị trường trong nước tăng nhanh hơn so với xuất khẩu vì lúa vụ Hè Thu sắp hết. Do đó, nhiều đơn vị mua hàng về kho để tích trữ khiến giá tăng.

    Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, VFA cho hay giá gạo tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.

    Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hết tháng 8, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,17 tỷ USD, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng qua đạt 542 USD một tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2022, thông tin trên báo VTV.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-gao-xuat-khau-viet-nam-bi-anh-huong-the-nao-boi-lenh-ap-tran-cua-philipines-a590237.html
    Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo

    Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo

    Thị trường lương thực toàn cầu có thể biến động hơn nữa, khi tới đây Myanmar sắp tới sẽ hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo

    Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo

    Thị trường lương thực toàn cầu có thể biến động hơn nữa, khi tới đây Myanmar sắp tới sẽ hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo.