Báo An ninh Thủ đô dẫn thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/9, cả 2 chủng loại gạo 5% và 25% tấm bất ngờ giảm 15 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm hiện giảm xuống mức 613 - 617 USD/tấn và gạo 25% tấm còn 598 - 602 USD/tấn.
Đáng chú ý, trong khi gạo Việt Nam giảm giá thì các nguồn cung khác gồm Thái Lan và Pakistan vẫn giữ nguyên mức giá.
Theo đó, gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 613 - 617 USD/tấn còn gạo 25% tấm ghi nhận mức 558 - 562 USD/tấn. Giá gạo Pakistan cũng lần lượt là 608 - 612 và 538 - 542 USD/tấn.
Như vậy, hiện giá gạo Thái Lan và Việt Nam hiện ngang bằng nhau nhưng vẫn cao hơn gạo Pakistan 5 USD/tấn.
Giá gạo Việt Nam bất ngờ giảm sau phiên tăng trở lại 5 USD/tấn vào ngày 12/9.
Trước đó, thông tin Chính phủ Philipines ban hành lệnh áp giá trần gạo được cho rằng sẽ tác động mạnh đến giá gạo xuất khẩu Việt Nam.
Theo thông tin trên báo Thanh niên, đối với 2 nhà nhập khẩu gạo lớn nhất Đông Nam Á là Philippines và Indonesia vẫn đang tích cực tìm kiếm nguồn cung để đảm bảo an ninh lương thực.
Theo Reuters, Bộ trưởng tài chính Philippines cho biết, nhiều khả năng tổng thống nước này sẽ phê duyệt đề xuất cắt giảm thuế đối với gạo nhập khẩu. Biện pháp này có thể được thực hiện ngay trong tháng tới. Theo đó, mức thuế hiện tại là 35% có thể được giảm xuống 10 - 0%.
Từ đầu tháng 9, Philippines đã áp giá trần với các mặt hàng gạo trong nước nhằm mục tiêu chống đầu cơ vì giá gạo tăng quá cao. Philippines là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, ước tính đến hết tháng 8, lượng gạo nhập trên 2 triệu tấn với giá trị khoảng 1 tỷ USD.
Tương tự, Indonesia cũng đang nỗ lực làm đầy kho dự trữ của mình. Theo báo chí nước này, lượng gạo dự trữ bình thường là 1,2 triệu tấn nhưng hiện đã đạt tới 1,6 triệu tấn cùng với 400.000 tấn nguồn cung nhập khẩu khác hiện đang được vận chuyển.
Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia ước tính hạn hán ở nhiều vùng do hiện tượng thời tiết El Nino có thể làm giảm sản lượng gạo từ 5 - 7% trong năm nay. Để giải quyết nguồn cung, Indonesia đã cho phép nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo. Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết khoảng 453.000 tấn vẫn chưa ký được hợp đồng.
Mới đây, Tổng thống Indonesia trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Campuchia bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Jakarta, đã thảo luận về thương mại gạo với sản lượng 250.000 tấn mỗi năm.
Từ đầu tháng 9, Indonesia bắt đầu triển khai chương trình phân phát 640.000 tấn gạo cho 21,35 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp trong ba tháng. Chương trình có giá trị lên đến 520 triệu USD.
Vân Anh(T/h)