+Aa-
    Zalo

    Ghé thăm cặp vợ chồng Pa Cô đông con nhất dãy Trường Sơn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đó là một ông lão Pa Cô, ở bản PrinC, xã A Dơi, Hưởng Hóa (Quảng Trị) sắp bước sang tuổi 80. Tính cả thảy hiện tại, ông có hơn 20 người con và 30 cháu chắt, dâu rể...

    (ĐS&PL) - Trong chuyến công tác về huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), tác giả được nghe người dân ở đây nhắc khá nhiều đến cái tên Hồ Mơ, nên không khỏi tò mò. Đó là một ông lão Pa Cô, ở bản PrinC, xã A Dơi, sắp bước sang tuổi 80. Tính cả thảy hiện tại, ông có hơn 20 người con và 30 cháu chắt, dâu rể. Nhưng điều đang nói, trong số các con của ông, phần lớn không phải máu mủ ruột rà do vợ chồng ông sinh ra.

    Ba mươi năm qua, bước chân của ông rong ruổi không biết bao bản làng, thậm chí vượt biên giới sang tận nước bạn Lào. Trên đường mưu sinh của mình, ông đã gom nhặt những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ, mồ côi về cưu mang, dạy dỗ nên người. Trải qua bao khó khăn cơ cực của cuộc sống, giờ các con ông đã lớn, có nhiều đứa lập gia đình, con cái đã đề huề. Kinh tế của cả đại gia đình đang dần ổn định. Mọi người nơi đây vẫn gọi vui đây là “Ngôi nhà hạnh phúc nhất dãy Trường Sơn”.

    Người đàn ông đông con nhất dãy Trường Sơn

    Theo chỉ dẫn của bà bán tạp hóa ở đầu xã A Dơi, chúng tôi men theo con đường nhỏ, ngoằn nghèo vào tận sâu trong bản PrinC, để được tận mắt diện kiến người cha này.

    Chủ nhân ngôi nhà sinh ra ở huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế), trong một gia đình dân tộc Pa Cô nghèo, đông anh em. Lớn lên bên bom đạn, cảnh mất nước, ông Hồ Mơ thấu hiểu rất rõ nỗi đau lớn của đồng bào mình, nên ngay khi vừa đủ 18 tuổi, ông đã làm đơn tự nguyện lên đường nhập ngũ, bảo vệ tổ quốc.

    Cũng từ đây, cơ duyên của ông và những đứa trẻ bắt đầu. Đang sục sôi ý chí chiến đấu kẻ thù, thì anh lính bộ đội cụ Hồ ấy đã bước sang một bước ngoặt mới của cuộc đời mình. Năm 20 tuổi, đang trên đường hành quân qua một bản làng vừa bị giặc quét, thuộc mặt trận chiến trường Bình Trị Thiên, Hồ Mơ đã phát hiện trong đống đổ nát tang thương, hoang tàn ấy một em bé tầm 4, 5 tuổi, đang co ro nấp khóc trong bụi cây.

    Anh lính trẻ bước lại gần hỏi han sự tình, thì cậu bé khóc nấc cho biết mình tên là Hồ Văn Thố, bố mẹ và người thân đều đã bị chết trong trận càn vừa qua của địch, phần thì đói bụng, phần thì sợ hãi nên trốn đây khóc. Trước gia cảnh bi đát của cậu bé, Hồ Mơ bước đi không đành nên đã xin đơn vị cho dừng chân để mang đứa bé về nhờ mẹ chăm sóc, rồi quay lại chiến trường.

    Ghé thăm cặp vợ chồng Pa Cô đông con nhất dãy Trường Sơn
    Già Hồ Mơ và những đứa con của mình

    Ngồi nhẩm tính cho tôi, chàng lính bộ đội cụ Hồ ngày nào giờ đã là ông cụ 80 tuổi, đầu hai thứ tóc bảo: “Như vậy là suốt 7 năm trong quân ngũ, tôi đã có tổng cộng 10 người con. Trên bước đường hành quan của mình, tôi cùng đồng đội đi qua không biết bao đồng quê, làng mạc, gặp gỡ không biết bao nhiêu đứa trẻ đáng thương. Mình thấy rồi mà không làm được gì là tâm cứ không yên, day dứt lắm, không nỡ làm ngơ. Người ta cứ nói to tát gì gì ấy, chứ tôi tin khi ai gặp những trường hợp như thế cũng sẽ làm giống tôi thôi, có gì đặc biệt đâu mà viết hả cô”

    Rồi khi hòa bình lập lại, ông trở về với cuộc sống đời thường, lập gia đình, sinh con đẻ cái, nhưng ông vẫn không ngừng tìm kiếm, cưu mang những đứa trẻ bất hạnh khác. Ông xem chúng như chính con do mình rứt ruột đẻ ra, không phân biệt đứa nào hơn đứa nào. Tính cho đến nay, vợ chồng ông đã có tới 20 người con, trở thành gia đình Pa Cô đông con nhất cái đại ngàn Trương Sơn này.

    Cũng từ tâm hồn dễ động lòng trắc ẩn ấy, mà cuộc sống vợ chồng ông Hồ Mơ đã trải qua những tháng ngày cực kỳ vất vả. Việc chạy từng bữa ăn là chuyện “ngày nào cũng như ngày nào” của gia đình ông. Với mức trợ cấp chế độ thương binh ¼ không đủ sống, buộc vợ chồng ông phải kiếm đủ trăm thứ nghề để xoay xở nuôi bọn trẻ. Không thiếu những khi vợ chồng phải nhịn ăn cho các con đủ miếng cơm, miếng rau…

    Khó khăn vậy, cơ cực vậy nhưng hễ cứ thấy đứa trẻ nào cơ nhỡ, ông lại mang về. Trong một lần mang hàng sang nước bạn Lào bán, khi đến bản Tả Hun (Lào), ông bất ngờ trước cảnh tượng vắng vẻ, nhếch nhác ở đây.

    Tìm hiểu thêm ông mới biết, hóa ra, ngôi làng này vừa xảy ra một trận dịch bệnh, người chết rất nhiều. Những người còn lại sợ quá nên cũng bỏ làng đi biệt xứ. Đang định quay bước ra về thì ông nghe có tiếng trẻ con khóc ngặt nghẽo. Trở lại tìm, ông phát hiện có hai em bé sơ sinh đỏ hỏn, mình đầy vết lở loét, ruồi bâu khắp người, đang khóc vì đói sữa.

    Quan sát trong làng không còn một ai để hỏi thăm nên ông vứt luôn cả gùi hàng, bế hai đứa bé về nhà chăm sóc. Với chút kinh nghiệm có được trong thời chiến tranh, ông đã lên rừng tìm lá về đắp vết thương cho chúng. Hai đứa trẻ sau khi được chữa lành đã ở lại luôn với gia đình của ông. Đó là câu chuyện của 13 năm về trước. Từ đó đến nay, mỗi năm một lần, ông lại đưa 2 con trở lại bản Tả Hun để thắp hương cho tổ tiên, ông bà.

    Ngoài ra, cách đây hơn 10 năm, ông còn cứu sống một sinh linh bé nhỏ ở bản Póc, xã A Xing, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Theo tục cũ của người Pa Cô, cha mẹ chết, thì trẻ sơ sinh phải chôn cùng. Năm ấy, ở bản này có một đôi vợ chồng không may lâm bệnh qua đời, khi vừa hạ sinh được một đứa bé rất kháu khỉnh. Nghe tin, ông Hồ Mơ lật đật băng rừng, vượt suối sang xin luôn đứa bé về làm con nuôi.

    Một người con Pa Cô anh hùng

    Giờ đây, trong ngôi nhà rộn ràng tiếng cười con trẻ ấy, ông lão 80 tuổi bình lặng, sống hạnh phúc quãng đời còn lại của mình. Nói về ông, nhiều người Pa Cô nơi đây không khỏi khâm phục, kính trọng, xem ông như một cây đại thụ của buôn làng mình.

    Không chỉ mở rộng lòng mình cưu mang những đứa trẻ có phận đời bất hạnh, mà đối với đồng bào mình, ông luôn sẵn sàng tự nguyện làm bất cứ việc gì có lợi cho buôn, bản.

    Ghé thăm cặp vợ chồng Pa Cô đông con nhất dãy Trường Sơn
    Dù kinh tế đã ổn định, nhưng ông Hồ Mơ vẫn thích lao động để vui vầy tuổi già.

    Cách đây 10 năm, ông cùng những người con lớn trong nhà đã tự đào đường dẫn vào rừng trồng sắn. Ông còn tự bỏ tiền ra thuê máy ủi về làm đường dẫn vào rừng cao su của cả thôn, để bà con có đường đi lại, không phải vạch rừng, chặt cây đi như trước.

    Nhiều năm qua, ông Hồ Mơ và những người con của mình luôn là thành viên đi đầu, tích cực trong việc giúp dân chống lại giặc đói, giặc dốt. Bằng những kinh nghiệm của bản thân, ông đứng ra dạy dân cách trồng lúa nước, trồng cây cao su và củ khoai, củ sắn…để bữa cơm đủ đầy chất hơn. 

    Những đứa con ông giờ đã lớn, có gia đình riêng, tất cả chúng đều được ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn. Kinh tế gia đình ông cũng đã ổn định, không còn khó khăn như trước. Với hơn 5ha cây cao su, 8ha sắn cao sản, 50 con trâu bò và cùng nhiều diện tích cây cà phê, hồ tiêu… Hằng năm, gia đình ông thu về một số tiền không nhỏ.

    Tuy tuổi đã cao, nhưng già vẫn còn siêng lao động lắm. “Ngoài mấy cái đó, tôi còn nhận chăm sóc, bảo vệ thêm 20ha rừng keo tràm của lâm trường, để đi qua, đi lại cho đỡ chán. Nhờ lao động từ nhỏ cho đến giờ, nên sức khỏe tôi rất tốt, không ốm đau vặt”, cụ già cười vui vẻ, chia sẻ cách nhìn lạc quan của mình.

    Nói đoạn, ông nhẹ nhàng quay sang vợ rồi bảo: “Nếu không có bà ấy, chắc tôi còn lâu mới được như ngày hôm nay. Tôi lập gia đình khi đã có cả chục đứa con, nhiều cô gái Pa Cô muốn đến với mình lắm, nhưng nhìn thấy bọn nhỏ lại sợ vất vả nên cô nào cũng từ chối. Chỉ mỗi bà ấy là chịu về sống với tôi, cùng tôi chăm sóc bọn nhỏ mà không than thở một lời. Rồi đến khi chúng tôi có với nhau những đứa con chung, cuộc sống vợ chồng trở nên cơ cực trăm bề. Thế mà bà ấy vẫn chưa bao giờ trách tôi lấy một lời”.

    Ông Hồ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: “Người Pa Kô ở Hướng Hóa coi già Hồ Mơ như cây đại thụ của buôn làng. Những việc ông làm vì những số phận cơ nhỡ, vì buôn làng đều xuất phát từ cái tâm tốt, nên già rất được bà con ở đây quý mến, cảm phục. Nhờ già, chúng tôi đã thoát được cảnh thiếu đói liên miên như trước đây”.

    Giờ kinh tế đã vững, có điều kiện để chăm sóc, nhận nuôi dưỡng các cháu bé bất hạnh hơn, nên già vẫn không ngừng nhắc nhở những đứa con của mình, hễ thấy ở đâu có trẻ lang thang, mồ côi, cơ nhỡ, nghèo khó…thì nên nhận về chăm nuôi.

    Chia tay với bản làng, chúng tôi dong thẳng xe về với thành phố Đông Hà, khi trời sơn cước sương đã phủ. Câu chuyện về người đàn ông hơn 30 năm âm thầm cưu mang những phận đời cơ nhỡ đã sưởi ấm lòng người viết trong một ngày mưa lạnh cuối tháng 2.

    Loan Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ghe-tham-cap-vo-chong-pa-co-dong-con-nhat-day-truong-son-a27065.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đau lòng 3 cháu nhỏ mồ côi cha mẹ sau bữa cơm chiều

    Đau lòng 3 cháu nhỏ mồ côi cha mẹ sau bữa cơm chiều

    (ĐSPL) – Sau bữa cơm tối, đến rạng sáng ngày 30/10, người cha là Hoàng Thành Chương, 47 tuổi, đã tử vong, hai con trai là Hoàng Nguyễn Chí Cường (SN 1999) và Hoàng Nguyễn Chí Bình (SN 2001) nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

    Rớt nước mắt với những phận mồ côi nơi cửa biển

    Rớt nước mắt với những phận mồ côi nơi cửa biển

    Tám năm trước, một tàu cá Việt Nam gặp tai nạn khiến 9 ngư dân của vùng biển biển Hậu Lộc, (Thanh Hóa) tử nạn. Thời gian đã lùi xa tất cả, nhưng nỗi đau kinh hoàng ngày đó vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng xóm chài nghèo, như bóng đen đè nặng lên những thân hình nhỏ bé, gầy guộc của mấy đứa trẻ mồ côi…