Tại tham luận gửi đến hội thảo về "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050”, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 28/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Theo Vietnamnet, lý do được EVN đưa ra là nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì thì theo tính toán, dự kiến thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2023, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. Để đảm bảo dòng tiền thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện, EVN đang nợ tiền của các đơn vị phát điện.
EVN dự kiến trong thời gian tới, khả năng tập đoàn sẽ gặp khó khăn khi mà không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hoạt động liên tục của các nhà máy điện, do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.
Ngoài ra, EVN cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện để đảm bảo vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo, dẫn đến khó duy trì được kết quả đánh giá hệ số tín nhiệm hàng năm của EVN và các tổng công ty.
Năm 2023 kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN không thể trả nợ đúng hạn, đồng thời các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN. Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay.
Do đó, Tập đoàn Điện lực đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.
Cụ thể, EVN kiến nghị được điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN mong được Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Để có cơ sở xem xét việc điều chỉnh giá điện các lần tiếp theo trong năm 2023, giá điện tăng không giật cục, có lộ trình, tập đoàn kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Đồng thời, EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho EVN vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đàm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện; Chính phủ và các bộ, ngành cho phép EVN tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời và phản ánh đầy đủ các chi phí.
Ngoài ra, EVN mong muốn Chính phủ và các bộ chấp thuận khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 và 2023 của EVN là "do thực hiện chính sách", VTV đưa tin.
Quan điểm của chuyên gia về đề xuất EVN được tăng, giảm giá điện trong biên độ dưới 5% mỗi quý một lần, báo VTC News dẫn ý kiến của TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng khoa Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc điều chỉnh giá điện rất quan trọng, tác động đến rất đông người dân, rất nhiều ngành nghề, dịch vụ. Vì thế EVN phải công bố, minh bạch thông tin trước khi quyết định điều chỉnh giá.
“Những thông tin như giá điện mua vào, nguồn thu từ bán điện, các khoản lỗ, lãi hàng tháng...cần công khai để người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt, giám sát và thảo luận. Tránh việc chỉ đưa cái lý của EVN vào trước mỗi quyết định”, TS Nguyễn Hồng Minh nói.
Đồng quan điểm trên, TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cho rằng, việc minh bạch thông tin cần thể hiện rõ trên hệ thống hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Nếu EVN công khai càng chi tiết thì người dân càng dễ đánh giá được kết quả kinh doanh của EVN lỗ lãi thế nào, việc tăng, giảm giá điện vì thế cũng dễ nhận được sự đồng thuận của dư luận hơn.
“Khi dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì việc điều chỉnh sẽ rất dễ, rất thuận lợi cũng và làm cho sự quản lý Nhà nước thêm thuận lợi hơn”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá, hiện EVN cũng có chủ động công bố thông tin, bởi EVN không được quyết định giá điện mà do cơ quan quản lý nhà nước quyết định. Tuy nhiên, thông tin của EVN có đúng hay không thì phải có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, trong đó chính xác nhất phải là kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập. Sau khi có sự đánh giá, kiểm tra của kiểm toán thì các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước mới đưa ra ý kiến và cho phép có điều chỉnh hay không. Toàn bộ quá trình này cũng nên minh bạch để người dân nắm bắt.
Dự thảo thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng.
Trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán. Nếu vi phạm trong điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.
Vân Anh (T/h)