Bộ Tài chính cho biết sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ ngành địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mức đề xuất ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh là 50 triệu đồng đối với cá nhân.
Còn với doanh nghiệp có nợ thuế trừ 500 triệu đồng thì cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Thời gian nợ thuế quá hạn là 120 ngày. Như vậy, so với mức đề xuất ban đầu khi lấy ý kiến góp ý, mức đề xuất lần này cao hơn 5 lần.
Giải thích thêm, Bộ Tài chính cho biết theo quy định hiện hành, người nợ thuế có số tiền thuế nợ quá hạn 120 ngày thì cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc như gửi thông báo nợ, áp dụng biện pháp cưỡng chế như trích tiền từ tài khoản ngân hàng…
Trường hợp người Việt xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam đang nợ thuế cũng bị tạm hoãn xuất cảnh.
Theo Bộ Tài chính, ngưỡng nợ thuế quá hạn 50 triệu đồng trở lên bị tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra sau khi bộ tham khảo ngưỡng nợ thuế ở nhiều nước cũng bị tạm hoãn xuất cảnh: Malaysia cá nhân nợ 2.000 USD bị tạm hoãn xuất cảnh, Mỹ ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh là 40.000 USD...
Thông báo với Bộ Tư Pháp về con số thống kê người nợ thuế, Bộ Tài chính cho biết, có khoảng 380.000 cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên; Có khoảng 81.000 cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng mới đây cho biết, thông qua biện pháp cấm, tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, cơ quan thuế đã thu hồi được 4.289 tỷ đồng.
Ông Thắng cũng khẳng định: Nhiều trường hợp nợ đọng, cố tình chây ì không chịu nộp thuế, vi phạm các quy định hiện hành, không tự nguyện tuân thủ thực hiện pháp luật về thuế... cần được áp dụng các biện pháp quyết liệt để thu. Với trường hợp gian lận về thuế thì phải đấu tranh xử lý nghiêm khắc, không có ngoại lệ.